Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) từ diện “kiểm soát” sang “hạn chế giao dịch” từ ngày 9/6. Theo đó, OGC chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nguyên nhân bởi doanh nghiệp này đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Không riêng OceanGroup, công ty con CTCP One Capital Hospitality do OceanGroup sở hữu gần 60% vốn cũng chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm. Cổ phiếu OCH vẫn đang trong diện kiểm soát nhưng có thể cũng sẽ sớm rơi vào tình cảnh bị cấm giao dịch phiên sáng tương tự OGC nếu báo cáo tài chính kiểm toán chưa được công bố. Biện pháp trên đã được HoSE đưa ra với nhiều doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, gần nhất là FLC, ROS và HAI.
Tại cả hai cuộc họp cổ đông tổ chức hồi cuối tháng 4/2022, hai doanh nghiệp đều đồng loạt xin ý kiến cổ đông về việc không thông qua báo cáo tài chính năm 2021 và lựa chọn đơn vị kiểm toán để thực hiện rà soát và kiểm toán lại báo cáo tài chính. Liên quan đến tờ trình này, cổ đông đã đặt ra câu hỏi ngay tại Đại hội.
Theo bà Lê Thị Việt Nga- đại diện IDS Equity Holding và nhóm cổ đông đang sở hữu cổ phần chi phối tại OceanGroup và cũng là Chủ tịch HĐQT của công ty hiện nay, việc rà soát nhằm giúp hiểu sâu sắc và xác định tài sản công nợ của công ty.
“Dù chưa chốt được thời gian dự kiến hoàn thành việc kiểm toán báo cáo tài chính, HĐQT và ban lãnh đạo cam kết làm việc nhanh chóng để hoàn thành trong thời gian sớm nhất”, bà Nga khi đó cho hay.
Trong công văn giải trình nguyên nhân và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu vào diện kiểm soát do hai công ty gửi đến sở giao dịch chứng khoán, lãnh đạo công ty cho biết đang thực hiện các công việc có liên quan bao gồm rà soát, kiểm toán lại các số liệu, thực hiện trích lập dự phòng bổ sung các khoản công nợ và thực hiện các thủ tục bán các khoản nợ xấu để các cổ đông phê duyệt tại kỳ hợp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 với thời gian hoàn thành trong quý III/2022.
Tới đây, vào ngày 8/6, OceanGroup sẽ chốt quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua đề xuất của ban điều hành về việc xử lý một số khoản nợ phải thu khó đòi.
Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) lần luợt rao bán các khoản nợ xấu, tổng giá trị gốc hàng ngàn tỷ đồng.
Trong danh sách khoản nợ, lớn nhất là khoản nợ tín chấp với nội dung hỗ trợ vốn, giá trị 380,5 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014; khoản nợ hợp tác ủy thác đầu tư giá trị 270 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bình Dương Xanh phát sinh năm 2014, có tài sản đảm bảo là 27.000.000 cổ phiếu Công ty Gia Phát; khoản nợ phải thu 145 tỷ đồng của Công ty phần Đầu tư Tư vấn Liên Việt phát sinh năm 2013. Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc.
Công ty Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) cũng chào bán khoản phải thu với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà, dư nợ gốc chưa bao gồm các khoản lãi, phạt là hơn 640 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ này là 20 tỷ đồng, tương đương 3% giá trị số dư nợ gốc.
Để lại một phản hồi