Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đề cao hòa bình tại Đối thoại Shangri-La

“Trong khi các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng xảy ra nhiều hơn, hậu quả nặng nề hơn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần chung tay góp sức để ứng phó, các vấn đề an ninh truyền thống còn nhiều phức tạp, có nguy cơ xảy ra ở một số nơi, một số khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm nay, theo báo Quân đội Nhân dân.

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, trong thế giới với nhiều biến động khó lường, cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ hòa bình là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

“Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ nên thấu hiểu sự tàn phá và hậu quả của xung đột, bạo lực. Vì vậy, chúng tôi chủ trương xây dựng quân đội, tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ tổ quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả”, ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 11/6. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 11/6. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Theo ông, quân đội Việt Nam đang tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xung kích trong ứng phó với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống.

Tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam bao gồm các mục tiêu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tinh thần, hiện đại về tổ chức, cũng như nghiên cứu phát triển khoa học, lý luận, nghệ thuật quân sự, phát triển nền công nghiệp quốc phòng và hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự.

“Nền quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, Bộ trưởng cho hay.

Theo ông, Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước.

Bộ trưởng tái khẳng định Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bình đẳng, cùng có lợi; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

“Đối với tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, chúng tôi kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn”, ông cho hay.

Theo Bộ trưởng, tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang.

“Hệ lụy là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường. Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia”, ông Phan Văn Giang nói.

Ông nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, nguyện vọng chính đáng, mong ước tương lai chung của các quốc gia, dân tộc. “Tôi chắc chắn rằng, ai trong chúng ta cũng luôn mong chờ một thế giới không tiếng bom, đạn; mong gương mặt vui cười trên mỗi trẻ thơ, mong tất cả mọi người trên thế giới cùng chung sống trong hạnh phúc và hòa bình”, ông nói.

Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 10/6 đến 12/6 sau hai năm bị hủy vì đại dịch Covid-19, là diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, sĩ quan quân đội cấp cao và nhà phân tích. Diễn đàn an ninh năm nay có sự tham dự của 575 đại biểu từ 40 quốc gia.

Huyền Lê

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*