Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải “delay” nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 1.

Vào tháng trước, khi Jo di chuyển trong sảnh khởi hành của sân bay Frankfurt để tìm nơi nghỉ qua đêm, cô đã nhận thấy mình đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong ngành hàng không như thế nào.

Chuyến đi thông thường mất 4 giờ của hãng easyJet từ London đến Hy Lạp nay đã kéo dài tới 24 giờ. Mọi thứ bắt đầu khi hãng hàng không của Anh hủy chuyến mà gần như không có thông báo đến hành khách. Trong khi đó, các chuyến bay thẳng khác đều “cháy” vé, Jo buộc phải vội vã chạy đến một sân bay khác và mua một chiếc vé giá cao hơn với 1 đêm quá cảnh ở Đức.

Jo là một trong hàng trăm nghìn hành khách cũng bị vướng vào sự hỗn loạn trong ngành hàng không và sân bay trong năm nay, trong bối cảnh số lượng lớn người bắt đầu đi du lịch trở lại sau đại dịch. Một cặp đôi đã phải kết hôn ngay trên chuyến bay đến Las Vegas vì không đến kịp lễ cưới của chính mình. Còn những người khác lại phàn nàn về những kỳ nghỉ bị hủy bỏ, hành lý thất lạc và mất trộm đồ.

Những vấn đề trên có nguyên nhân từ việc thiết hụt nhân sự tại các hãng hàng không, sân bay và các công ty vận hành dịch vụ mặt đất. Tình trạng này đã gây xôn xao dư luận Anh khi có tới 500 chuyến bay bị hủy vào 2 tuần trước. Ngoài Anh, cả EU và Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này. Theo đó, hệ thống vận hành ngành hàng không đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với những vấn đề từ thời tiết xấu đến quá trình kiểm soát không lưu thiếu trơn tru.

Tại Mỹ, hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy bỏ trong kỳ nghỉ lễ Tưởng niệm. Ở châu Âu, sân bay Charles de Gaulle của Paris đã hủy ¼ số chuyến bay vào thứ Năm tuần trước sau một cuộc đình công đòi trả lương cao hơn của các nhân viên. Hôm 4/6, hãng hàng không Hà Lan KLM cũng hoãn các chuyến bay chở khách đến sân bay Schiphol ở Amsterdam do thời tiết xấu và việc bảo trì đường băng bị chậm trễ do thiếu nhân sự.

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 2.

Theo nhà cung cấp dữ liệu ngành hàng không OAG, tổng cộng, 4% các chuyến bay trên toàn cầu đã bị hủy vào ngày 4/6, trong đó có 11% ở Hà Lan, 4% ở Đức và 3% ở Mỹ và Anh.

Những nguyên nhân gây ra các vấn đề trên có sự liên hệ mật thiết với nhau. Các công ty trong ngành đã sa thải quá nhiều nhân sự trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, họ vẫn chưa có sự chuẩn bị cho việc hành khách quay trở lại với số lượng lớn, dù nhiều chuyên gia đã dự báo rằng nhu cầu bị kìm hãm sẽ là rất lớn.

John Holland-Kaye – CEO của sân bay Heathrow (Anh), cho biết: “Nhu cầu đã tăng trở lại, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khả năng mở rộng quy mô của ngành.”

Những khó khăn của ngành này trong việc tuyển dụng them nhân sự trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh thị trường lao động đang bị thắt chặt. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã để lộ những điểm yếu của một hệ thống bao gồm các công ty vốn phụ thuộc lẫn nhau để đưa một chiếc máy bay lên trời. Khi một phần của hệ sinh thái hàng không chao đảo, sự gián đoạn “phân tầng” trong chuỗi cung ứng sẽ xảy ra.

Holland-Haye cho biết, ngành này đã trải qua một “cuộc khủng hoảng sống còn” trong 2 năm qua. Ông nói them: “Chúng tôi không có doanh thu và chi phí cố định là cực kỳ cao. Việc hồi sinh công suất như cũ là cực kỳ khó khăn.”

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 3.

2 năm trước, khi cả thế giới phong tỏa vì đại dịch, các hãng hàng không đã chật vật để tồn tại. Họ tập trung vào việc cắt giảm chi phí khi không có hành khách và những khoản lỗ ngày càng lớn. Nhận thấy mối đe dọa như vậy, các ông chủ đã buộc phải sa thải nhân viên.

Tháng 4/2020, Lufthansa ước tính họ đã “đốt” khoảng 1 triệu euro/giờ. Trong khi đó, British Airways (BA) đã cắt giảm khoảng 10.000 trong số 42.000 nhân sự. Ủy ban Quốc hội Vương quốc Anh nhận định động thái này là “sa thải vô ích”, song nhiều đối thủ của hãng cũng có hành động tương tự.

Tại Mỹ, chính phủ nước này ước tính ngành hàng không đã mất 100.000 việc là vào tháng 9/2021, dù đã nhận hỗ trợ 50 tỷ USD. Swissport đã sa thải 20.000 trong số 65.000 nhân viên trên khắp thế giới. Theo nghiên cứu của Oxford Economics, ngành hàng không thế giới hiện có chưa đến 2,3 triệu người đang làm việc tính đến tháng 9/2021.

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 4.

Stephen Cotton – tổng thư ký của Liên đoàn Công nhân ngành Vận tải Quốc tế, cho biết: “Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ, công đoàn vẫn kêu gọi các hãng thực hiện chương trình giữ chân nhân sự trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19. Kết quả chính là những gì chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay: hơn 2 triệu nhân sự có kinh nghiệm đã biến mất ở hãng hàng không, sân bay, dịch vụ hàng không và chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu khi ngành này đang cần họ nhất.”

Các công đoàn cho rằng, tác động của việc sa thải hàng loạt chính là hiện tại ngành hàng không đang phải tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao. Ảnh hưởng của sự chênh lệch về kỹ năng và kinh nghiệm của nhân sự đang trở nên rõ ràng hơn, khi các công ty đang cố gắng tổ chức lại các hoạt động. Ngoài ra, họ cũng gặp nhiều khó khăn trước diễn biến thất thường của đại dịch.

Cuối năm ngoái, BA đã bắt đầu tuyển dụng lại nhân viên khi các quy định phòng dịch được nới lỏng và các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương được vận hành trở lại. Song, chỉ vài tuần sau khi biến thể Omicron lây lan, biên giới các nước lại đóng cửa.

Đối với Willie Walsh – cựu giám đốc điều hành của BA, hiện là chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành này vẫn đang phải chịu tác động của việc chính phủ các nước đưa ra những quy định khác nhau. Ông nói: “Trong bối cảnh các chính phủ liên tục thay đổi chính sách, tình trạng không chắc chắn vẫn xảy ra vào phút chót. Bởi vậy, việc tái khởi động một ngành công nghiệp phần lớn bị ‘đóng băng’ trong 2 năm có rất ít thời gian.”

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 5.

Không chỉ hàng không, nhiều ngành khác trên toàn cầu cũng chật vật trong việc tìm kiếm nhân sự trên một thị trường lao động bị thắt chặt. Song, các quy tắc bảo mật riêng của ngành lại khiến họ rơi vào tình thế đặc biệt khó khăn. Nhiều nhân sự mới cần phải đủ điều kiện vượt qua đợt kiểm tra lý lịch trước khi vào làm việc. Quá trình này có thể phải mất vài tuần, trong khoảng thời gian đó các ứng viên có thể đã tìm được công việc khác.

Một số người cho rằng lĩnh vực này đã trở nên kém hấp dẫn hơn với các ứng viên, sau 2 năm cắt giảm mạnh nhân sự và đón nhận nhiều thông tin tiêu cực. József Váradi – CEO của Wizz Air, hãng hàng không giá rẻ của châu Âu, cho biết: “Nhiều người từng thích ngành này đã thay đổi suy nghĩ. Họ bắt đầu cân nhắc về các lĩnh vực khác để phát triển sự nghiệp.”

Tuần trước, Váradi phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các công đoàn phi công sau khi phát biểu: “Chúng tôi không thể vận hành ngành này khi cứ 5 người thì có 1 người ở một ‘base’ báo ốm. Tất cả chúng tôi đều mệt mỏi nhưng đôi khi vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực.”

Dù một số công ty đã ghi nhận các vấn đề trong quá trình tuyển dụng phi công được trả lương cao cùng một số công việc khác, đặc biệt là những vị trí làm việc dưới mặt đất. Một giám đốc trong ngành cho biết: “Thú thật đi. Bạn muốn làm việc ở 1 siêu thị với nhiều giờ hợp lý, hay thức dậy lúc 2 giờ sáng và đứng trong cái lạnh của sân bay?”

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 6.

Dẫu vậy, quy mô của sự gián đoạn với mỗi hàng hàng không lại không tỷ lệ thuận với mức độ cắt giảm nhân sự. Dù easyJet bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay, nhưng số lượng nhân viên vẫn tương đương với năm 2019. Wizz Air dự kiến tuyển dụng thêm 6.700 người vào cuối mùa hè, tăng từ mức 4.000 trước đại dịch nhưng vẫn phải hủy nhiều chuyến bay.

Thay vào đó, những vấn đề mà các hãng hàng không gặp phải chủ yếu liên quan đến chuỗi cung ứng, vốn dễ gặp gián đoạn và vượt ngoài tầm kiểm soát của họ. Hành khách chỉ cần liên hệ với 2 bên đó là hãng hàng không và sân bay, song chuyến đi của họ lại được vận hành bởi một loạt công ty: các nhà cung cấp nhân viên làm thủ tục lên máy bay và nhân viên khuân vác hành lý, cho đến công ty an ninh sân bay và nhà cung cấp dịch vụ ăn uống.

Trong nhiều năm qua, các hãng hàng không đã phải thuê ngoài nhiều mảng nhất có thể. Khi một mắt xích trong chuỗi này bị gián đoạn – và mỗi mảng trong đó đều gặp vấn đề về nhân sự, thì quá trình vận hành trơn tru cũng bị phá vỡ.

Chuyến bay 4 tiếng bỗng kéo dài 1 ngày, riêng 1 hãng hủy 900 chuyến chỉ trong 1 tháng: Ai rồi cũng phải delay nhưng hàng không toàn cầu chưa bao giờ khổ đến thế - Ảnh 7.

Trong nỗ lực thiết lập lại trật tự, một vài người trong ngành đã đề xuất về hệ thống cắt giảm giá bằng cách ưu tiên hiệu quả trên hết. Thành viên ban quan trị của một hãng hàng không châu Âu cho biết, rõ ràng là hệ thống không thể giúp ngành tạo ra doanh thu như năm 2019, nhưng kế hoạch mới này là để giảm thiểu sự gián đoạn trong tương lai đồng nghĩa với việc hành khách có thể sẽ phải trả phí cao hơn

Tuy nhiên, các công ty vẫn bị chỉ trích vì chủ quan với số lượng chuyến bay khai thác trong mùa hè này. 5 tuần trước, ông chủ của Lufthansa – Carsten Spohr, cho biết công ty ông đang “chuẩn bị tinh thần cho cuộc khủng hoảng” khi dự báo sẽ đón nhiều khách hơn vào mùa hè này với số lượng kỷ lục. Song, thứ Năm tuần trước, hãng lại thông báo hủy 900 chuyến bay trong tháng 7 “nút thắt cổ chai và thiếu nhân viên” trong toàn ngành. Tại Anh, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps đã chỉ trích các hãng hàng không “đăng bán quá nhiều chuyến bay” trong tháng này.

Trong khi đó, cơ quan kiểm soát không lưu của châu Âu đã cảnh báo về các vấn đề như vậy có thể kéo dài đến tháng 7. Còn các hãng hàng không ở khu vực này dự kiến tình trạng gián đoạn kéo dài hết mùa hè. Holland-Kaye cho biết ngành này phải mất 18 tháng để tái xây dựng hoàn toàn năng lực khai thác.

Chi Lan

Hải An

Financial Times

Theo Trí Thức Trẻ

https://babfx.com/chuyen-bay-4-tieng-bong-keo-dai-1-ngay-rieng-1-hang-huy-900-chuyen-chi-trong-1-thang-ai-roi-cung-phai-delay-nhung-hang-khong-toan-cau-chua-bao-gio-kho-den-the-20220613235852034.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*