Cử nhân, thạc sĩ Trung Quốc chen chân vào biên chế

Hermione Trương, 25 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ tại Bắc Kinh năm ngoái, từng kỳ vọng xin được việc làm tại một ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán ở thành phố lớn. Nhưng cô gặp nhiều khó khăn trong tìm vị trí thực tập cũng như mở rộng mối quan hệ khi chương trình thạc sĩ chậm trễ 9 tháng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Điều này khiến cô phải hạ thấp mục tiêu sự nghiệp. Trương cuối cùng nhận lời mời làm việc tại một ngân hàng nhỏ ở vùng nông thôn gần quê nhà tại tỉnh Sơn Tây, sau khi trải qua 89 cuộc phỏng vấn chỉ trong vòng ba tháng.

“Nếu không do Covid-19, tôi đã ở lại Bắc Kinh, dù chỉ đảm nhận vị trí thực tập”, Trương chia sẻ. “Đại dịch đã thay đổi quyết định sự nghiệp của tôi. Trong bối cảnh khó khăn, ai cũng mong có một công việc ổn định”.

“Tính mạo hiểm, dám nghĩ dám làm không thể vượt qua xu hướng an toàn, tránh rủi ro trước tương lai bất định”, cô nói thêm.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do Covid-19, số lượng sinh viên tốt nghiệp bước vào thị trường việc làm đạt mức kỷ lục 10,76 triệu người. Nhiều cử nhân, thạc sĩ từ các trường đại học ưu tú đang chú trọng vào tính ổn định và gác lại những tham vọng riêng.

Các sinh viên mừng lễ tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 6/2005. Ảnh: SCMP.

Các sinh viên mừng lễ tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 6/2005. Ảnh: SCMP.

Sinh viên từ các trường đại học danh tiếng nhất ở Trung Quốc thường nhắm tới công ty trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới hoặc các tập đoàn công nghệ, đơn vị tư vấn, công ty luật tại thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng năm nay, tâm lý sinh viên mới ra trường bị ảnh hưởng bởi các vụ sa thải hàng loạt của các tập đoàn công nghệ, giải trí, giáo dục, bất động sản…

Những “gã khổng lồ” Internet Trung Quốc như Tencent hay Alibaba đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm nhân sự trong năm qua, khi hoạt động kinh doanh giảm sút. Hàng trăm công ty bất động sản ở nước này cũng nộp đơn phá sản.

Trong bối cảnh đó, những người mới ra trường sẵn sàng chấp nhận một công việc trong biên chế với mức lương thấp hơn kỳ vọng, cũng như chấp nhận rời khỏi các thành phố lớn. Những vị trí viên chức trong bộ máy nhà nước hay công ty quốc doanh được coi là “an toàn” trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động hiện nay.

Kết quả là các thông báo tuyển nhân viên vào biên chế, kể cả vị trí ở những thị trấn hẻo lánh, cũng thu hút rất nhiều ứng viên “thừa tiêu chuẩn”.

Lệ Thủy, một huyện nhỏ với dân số 200.000 người ở tỉnh Chiết Giang, đã tuyển 24 người mới tốt nghiệp theo “chương trình chiêu mộ nhân tài”, trong đó 23 người có bằng sau đại học, thậm chí 4 người có bằng tiến sĩ.

Huyện Hòa Bình xa xôi với 350.000 dân ở tỉnh Quảng Đông cũng nhận được đơn xin việc từ hơn 700 ứng viên có bằng sau đại học từ 5 cơ sở giáo dục hàng đầu trong và ngoài nước.

Sinh viên Trung Quốc mừng lễ tốt nghiệp tại Đại học Columbia, New York, Mỹ. Ảnh: Global Times.

Sinh viên Trung Quốc mừng lễ tốt nghiệp tại Đại học Columbia, New York, Mỹ. Ảnh: Global Times.

“Mức độ cạnh tranh đang gia tăng, những nhân sự mà chúng tôi tuyển với mức lương 6.000 tệ/tháng (890 USD) trong năm nay đều chất lượng hơn các nhân viên hưởng lương 1.190 USD/tháng trước đó”, Fred Phùng, nhóm trưởng tại công ty tuyển dụng Hays có trụ sở Hong Kong, cho biết.

Ông Phùng cho biết số lượng ứng viên nộp đơn ứng tuyển đã tăng hơn một nửa so với năm ngoái, trong đó có nhiều người là thạc sĩ từ các trường hàng đầu như Đại học Bắc Kinh hay Đại học Johns Hopkins, Mỹ.

Ryan Hồ, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn nghề nghiệp Togo Career, mô tả mức độ cạnh tranh trong thị trường việc làm ở Trung Quốc “cực kỳ khốc liệt”.

“Chúng tôi đang làm việc với nhiều cử nhân và thạc sĩ từ Ivy League cũng như các trường đại học hàng đầu của Anh”, ông Ryan Hồ cho biết. “Ít nhất một nửa số này coi vị trí trong công ty nhà nước là lựa chọn hàng đầu của họ”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận cùng các sinh viên trong chuyến thăm Đại học Nhân Dân (RUC) tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, ngày 25/4. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) thảo luận cùng các sinh viên trong chuyến thăm Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh ngày 25/4. Ảnh: AFP.

Theo các chuyên gia, tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc hiện nay có thể tồi tệ hơn so với thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19 cuối năm 2019, khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở nước này đạt 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở lứa tuổi lao động (16-24 tuổi) cũng đạt 18,2%, mức cao nhất kể từ năm 2018.

Tỷ lệ này thường đạt đỉnh vào mùa hè, thời điểm sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm. Các bậc cha mẹ cũng lo lắng trước tình trạng này. Togo Career đã ghi nhận nhiều phụ huynh tham gia các buổi tư vấn việc làm với con cái hơn những năm trước.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cảnh báo viễn cảnh “tồi tệ” đối với thị trường việc làm, đồng thời thúc giục chính quyền các tỉnh hành động quyết liệt hơn để cải thiện tình hình trước thềm Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm nay.

Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ, như cắt giảm thuế và chi phí, bổ sung trợ cấp, nới lỏng các hạn chế tài chính, cũng như hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, các cử nhân Trung Quốc vẫn ưu tiên tìm chỗ trú chân trong biên chế.

“Câu nói ‘đi cùng trời cuối đất rồi cũng vào biên chế’ đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới sinh viên”, ông Triệu, một giảng viên tại Beijing Offcn Education & Technology Co, một trong những doanh nghiệp giáo dục lớn nhất Trung Quốc, cho biết, thêm rằng ngay cả những sinh viên có học vấn ấn tượng nhất cũng đang nghiêng về lựa chọn công việc nhà nước ổn định để giảm nguy cơ bị sa thải trong tương lai.

Đức Trung (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*