Cuộc sống dưới tiếng gầm tiêm kích ở đảo tiền tiêu Đài Loan

“Nếu một ngày tiêm kích không cất cánh, cảm giác rất lạ”, ông Lâm Chí Thành, 61 tuổi, chủ một quầy bán nước trái cây trên đảo Tây Tự thuộc nhóm đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan, cho biết.

Eo biển Đài Loan là tuyến đường thủy rộng khoảng 180 km ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Mỹ và đồng minh coi eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế và thường xuyên điều chiến hạm tuần tra hàng hải qua đây, trong khi Bắc Kinh phản ứng gay gắt với các tàu chiến nước ngoài qua lại vùng biển này.

Nằm cách đảo chính Đài Loan khoảng 50 km, Bành Hồ trở thành nhóm đảo tiền tiêu và căn cứ quân sự ở đây có nguy cơ hứng chịu đòn tập kích đầu tiên bằng tên lửa đạn đạo và hành trình nếu xung đột nổ ra ở hai bờ eo biển.

Vị trí quần đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan. Đồ họa: Wikipedia.

Vị trí đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan. Đồ họa: Wikipedia.

Căn cứ ở Bành Hồ, nơi đồn trú của các tiêm kích phòng vệ nội địa (IDF) F-CK-1 Ching-kuo, là tuyến đầu trong phản ứng của Đài Loan trước quân đội Trung Quốc đại lục. Một quan chức cấp cao giấu tên của Đài Loan nói rằng các phi đội tiêm kích tại Bành Hồ gần đây triển khai tiêm kích ngăn chặn máy bay quân sự Trung Quốc “hầu như mỗi ngày” khi căng thẳng lên cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/6 cáo buộc Bắc Kinh đang gia tăng “hoạt động khiêu khích, gây bất ổn quanh Đài Loan” khi triển khai máy bay áp sát hòn đảo với số lượng kỷ lục và diễn ra gần như hàng ngày. Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định nước này sẽ “chiến đấu đến cùng” để ngăn Đài Loan độc lập.

Đài Loan là vấn đề nóng trong quan hệ song phương Mỹ – Trung những năm gần đây. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần. Washington là bên cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan để tự vệ, nhưng không thiết lập quan hệ chính thức với hòn đảo, cũng không hứa hẹn bảo vệ bằng biện pháp quân sự, nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tại các thị trấn đánh cá ở Bành Hồ, nhiều cư dân địa phương vẫn lạc quan trước mối đe dọa quân sự, cũng như tiếng ồn ào của tiêm kích.

“Mọi người đều cho rằng căng thẳng giữa hai bên đang ở mức cao, nhưng tôi không lo lắng và tin tưởng rằng chính quyền Đài Loan sẽ không tạo ra nguy cơ chiến tranh”, ông Lâm bày tỏ khi đang cùng vợ chuẩn bị đồ uống cho khách. Công việc kinh doanh tại quầy nước trái cây của vợ chồng ông đang phát triển thuận lợi.

Ngay phía dưới con đường là một nhóm khách đặc biệt, những binh sĩ đóng quân tại căn cứ tiền phương Sky Bow, nơi đặt hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Đài Loan.

“Tôi thường xuyên vào trong căn cứ giao nước trái cây”, ông Lâm cho biết. “Tôi cảm thấy tình hình ở đó khá bình thường”.

Căn cứ ở Bành Hồ hoạt động từ năm 1997 và sự hiện diện của binh lính đã trở thành một phần cuộc sống của người dân đảo Tây Tự trong nhiều thập kỷ. Họ thậm chí coi đây là nguồn thu nhập hơn là dấu hiệu của căng thẳng.

“Người dân hai bờ eo biển có nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa”, ông Lâm nói. “Trên thực tế, không ai muốn chiến tranh xảy ra”.

Một người dân phơi cá tại thị trấn Ma Công, quần đảo Bành Hồ, eo biển Đài Loan, ngày 31/5. Ảnh: AFP.

Một người dân phơi cá tại thị trấn Ma Công, Bành Hồ ngày 31/5. Ảnh: AFP.

Trong quá khứ, Bành Hồ từng bị lực lượng Hà Lan, Pháp và Nhật Bản kiểm soát mà không gặp chút khó khăn nào.

“Bành Hồ là nơi khó bảo vệ”, nhà sử học Trần Anh Tiến cho biết. “Nhóm đảo này bằng phẳng và có nhiều bãi biển, nên rất khó ngăn chặn các cuộc tấn công đổ bộ”.

Rất ít người dân địa phương nghĩ rằng Bành Hồ có cơ hội kháng cự nếu xung đột với đại lục nổ ra. “Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài chấp nhận trong trường hợp đảo Tây Tự bị bao vây”, cư dân Vương Hứa Thịnh, 70 tuổi, nói.

Nhưng Andy Hoàng, 29 tuổi, chủ cửa hàng kem ở thị trấn Ma Công thuộc đảo chính Bành Hồ, tuyên bố sẵn sàng cầm súng nếu cần. “Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên được gọi đi chiến đấu nếu xung đột nổ ra,” Andy Hoàng nói. “Cho đến lúc đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn”.

Đức Trung (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*