Cuộc đua giành vũ khí cho Ukraine

Khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine đang thay đổi theo hướng có lợi cho Nga nhờ ưu thế về pháo binh, Kiev cố gắng tìm kiếm vũ khí hạng nặng từ các đồng minh phương Tây để san bằng cách biệt hỏa lực. Cuộc chạy đua vũ khí diễn ra khi Ukraine cảnh báo họ phải đối mặt với thất bại ở vùng Donbass, nơi có thể định đoạt kết quả của xung đột, trừ khi phương Tây chuyển thêm vũ khí với tốc độ nhanh hơn.

Bên cạnh các khí tài phương Tây, Ukraine cũng đang cố tìm kiếm những loại vũ khí được sản xuất thời Liên Xô, vốn quen thuộc hơn với quân đội của họ. Nhưng các nhà môi giới vũ khí phương Tây và quan chức Ukraine cho biết họ đang vấp phải cạnh tranh khốc liệt từ Nga.

Moskva sẵn sàng trả giá cao hơn để thu mua số vũ khí thời Liên Xô ở các nước đang biên chế hoặc niêm cất chúng, nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Kiev, đồng thời củng cố kho vũ khí đang dần cạn kiệt của họ.

“Nếu Nga mua hết những vũ khí đó trên thị trường, Ukraine sẽ chẳng còn gì”, một cựu quan chức quân đội Mỹ, người từng tham gia nhiều thương vụ mua sắm vũ khí Nga trong nhiều thập kỷ, cho biết.

Một lính Ukraine mang vũ khí chống tăng gần Bakhmut, vùng Donbass, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

Một lính Ukraine mang vũ khí chống tăng gần Bakhmut, vùng Donbass, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp báo ở Washington tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói Anh và Mỹ đã lùng sục khắp 23 quốc gia biên chế các loại vũ khí, trang bị thời Liên Xô để đàm phán mua lại và chuyển cho quân đội Ukraine.

“Một nửa phần hỗ trợ của chúng tôi là xác định nơi có thể tìm thấy số vũ khí đó'”, Wallace nói. “Đó là lúc chúng tôi chạm mặt người Nga cũng đang tìm kiếm nguồn cung vũ khí ở một số quốc gia, vì kho dự trữ của họ cũng đang vơi đi nhanh chóng”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh từ chối chia sẻ thêm về bình luận của ông Wallace. Các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận nỗ lực mua vũ khí thời Liên Xô gặp nhiều khó khăn, nhưng từ chối bình luận công khai về vấn đề này.

Tháng trước, các nhà môi giới ở Cộng hòa Czech và Ba Lan thay mặt cho Ukraine hoàn thiện thỏa thuận mua xe bọc thép và đạn pháo thời Liên Xô với một nhà cung cấp Bulgaria. Nhưng đúng lúc đó, một nhóm khách hàng Armenia đột nhiên xuất hiện, chấp nhận trả cao hơn 50% để giành được hợp đồng, theo một nghị sĩ Ukraine am hiểu vấn đề.

“Chúng tôi biết rõ số hàng này không tới Armenia, mà sẽ tới Nga”, người này nói. “Họ biết chúng tôi đang muốn mua cái gì và cũng biết có thể kiếm nó ở đâu”.

Các nhà môi giới cho hay Moskva đã đe dọa một số quốc gia sở hữu khí tài thời Liên Xô rằng họ có thể cắt nguồn cung phụ tùng và dịch vụ bảo dưỡng nếu không chấp nhận những thỏa thuận như vậy.

“Đôi khi bạn không thực sự chắc chắn điều gì đang xảy ra”, một nghị sĩ Ukraine khác nói. “Những gì bạn thấy không khác gì hành động cản trở, phá hoại”.

Ukraine, cùng các đồng minh Mỹ và Anh, đã nhiều lần tới trễ hoặc bị “hớt tay trên” các thỏa thuận vũ khí như vậy. “Đó là cách làm việc hiệu quả của người Nga, trong khi tình báo Ukraine và đồng minh hoạt động thiếu hiệu quả”, nghị sĩ này nói thêm.

Hồi tháng 4, Nga phản đối đề xuất của Lầu Năm Góc chuyển cho Ukraine 11 trực thăng vận tải quân sự Mi-17 do Nga sản xuất mà Mỹ đã mua để trang bị cho quân đội Afghanistan năm 2011.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố động thái chuyển giao trực thăng Mi-17 cho Ukraine “vi phạm trắng trợn” các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và điều khoản trong hợp đồng giữa Mỹ với Nga. Hồi tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva chính thức phản đối Washington “vi phạm nghĩa vụ hợp đồng” liên quan đến số trực thăng này.

“Đại sứ quán của chúng tôi ở Washington đã gửi yêu cầu chính thức tới Bộ Ngoại giao Mỹ, đề nghị giải thích rõ ràng về lý do trực thăng Mi-17 được chuyển cho Ukraine mà không có sự đồng ý của Nga, điều trái ngược với các thông lệ ngoại giao”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói.

Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Ngoài các kênh bán hàng trực tiếp, khí tài của Nga cũng như vũ khí thời Liên Xô thường được mua bán bởi các công ty trung gian được đăng ký tại Mỹ và nơi khác ở phương Tây.

Nga dường như đang cố gắng ngăn chặn những công ty trung gian này cung cấp vũ khí cho Kiev.

“Chúng tôi đã nhận được cảnh báo như ‘nếu bạn không ngừng mua những thứ này cho Ukraine, chúng tôi sẽ không làm ăn với bạn nữa. Chúng tôi sẽ trừng phạt bạn'”, cựu quan chức quân đội Mỹ đang làm trong lĩnh vực tư nhân nói.

Các nhà môi giới vũ khí phương Tây cho biết Moskva trong nhiều năm qua thường không phản đối khi họ bán vũ khí do Nga hoặc Liên Xô sản xuất. Trong hơn một thập kỷ sau vụ khủng bố 11/9, các nhà môi giới vũ khí này đã thay mặt Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mua khí tài quân sự do Liên Xô và Nga sản xuất để hỗ trợ Iraq và Afghanistan.

Chính Ukraine cũng bán vũ khí do Nga và Liên Xô sản xuất cho các nhà môi giới vũ khí và các quốc gia khác trong nhiều năm qua.

Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột bùng lên ở miền đông Ukraine, thái độ của Moskva đối với việc bán vũ khí do Nga sản xuất, ít nhất là cho Ukraine, thay đổi đột ngột.

“Họ trước đây chưa từng phản đối vì bất kỳ lý do nào”, Reuben Johnson, nhà tư vấn quốc phòng Mỹ từng nhiều năm làm việc ở Nga và Ukraine, nói. “Người Nga giờ thay đổi và nói ‘Hượm đã, chúng tôi không thích điều này nữa'”.

Đạn ở gần một con đường gần Makariv, ngoại ô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP.

Đạn ở gần một con đường gần Makariv, ngoại ô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP.

Những cáo buộc về Nga can thiệp vào nỗ lực mua sắm vũ khí cho Ukraine đã xuất hiện từ trước khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2.

Năm ngoái, giới chức Cộng hòa Czech cáo buộc tình báo quân sự Nga đứng sau vụ nổ năm 2014 tại kho vũ khí từng cung cấp cho Ukraine.

Năm 2016, một nhóm nghi phạm bắt cóc một quan chức mua sắm vũ khí của Ukraine, người đã đàm phán thỏa thuận phụ tùng hàng không với Ấn Độ, khách hàng lớn của vũ khí Nga, theo một cựu quan chức công nghiệp quốc phòng Ukraine. Giới chức Ukraine cáo buộc một sĩ quan tình báo Nga đứng sau kế hoạch bắt cóc này.

Năm 2020, các công tố viên Bulgaria cáo buộc ba người Nga đầu độc thương nhân vũ khí Bulgaria Emilian Gebrev vào năm 2015 bằng chất độc thần kinh Novichok. Ông Gebrev là người đã tham gia môi giới các thương vụ mua vũ khí cho Ukraine.

Nga phủ nhận mọi cáo buộc này.

Gebrev sống sót sau sự việc, nhưng nhiều “lái súng” trong ngành công nghiệp vũ khí quốc tế đã coi đây là một tín hiệu cảnh báo cho những người muốn làm ăn với Kiev.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

  • Thách thức với đường gia nhập EU của Ukraine
  • Nga tiếp tục tung đòn khí đốt với châu Âu
  • Thiếu đạn pháo, lính Ukraine thất thế trước hỏa lực Nga
  • Những cựu binh Mỹ tuồn vũ khí cho Ukraine
  • Phương Tây cung cấp vũ khí gì cho Ukraine?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*