Một nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Mới đây, truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về tình hình hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn của Samsung, điều đó dường như sẽ liên quan đến việc họ cắt giảm giờ công lao động của công nhân tại các nước như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
Với 60% sản lượng hàng năm của “gã khổng lồ” Hàn Quốc, Việt Nam được coi là “đại bản doanh” lớn nhất thế giới của Samsung. Hiện tại, Samsung đang có 8 nhà máy sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu, tập trung vào 3 địa phương là Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM. Đặc biệt, mới đây, họ đã rót thêm 920 triệu USD vào Công ty TNHH Samsung Electro–Mechanics Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện kinh tế không thuận lợi, lạm phát, lãi suất cao và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, Samsung Electronics đã quyết định cắt giảm sản xuất TV và các thiết bị gia dụng khác của họ. Ban lãnh đạo Samsung đã có động thái điều chỉnh kế hoạch sản xuất từ 334 triệu sản phẩm trong năm 2022 xuống còn 270 triệu sản phẩm.
Samsung cắt giảm giờ làm của công nhân tại Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ cắt giảm số ngày làm việc của công nhân tại Việt Nam, Ấn Độ và Brazil. Cụ thể, Samsung đã giảm số ngày làm việc của công nhân tại các nhà máy Việt Nam từ 5 xuống chỉ còn 3 ngày/tuần. Nhiều đối tác linh kiện nội địa cũng phải giảm hoạt động để phù hợp với động thái của Samsung.
“Sự không chắc chắn về nhu cầu trong lĩnh vực công nghệ đang gia tăng và xu hướng trì trệ nói chung vẫn tiếp tục. Sự sụt giảm nhu cầu đối với thiết bị gia dụng và TV đã là mối lo ngại kể từ nửa cuối năm ngoái và chúng tôi thực sự đang xác nhận dữ liệu về sự sụt giảm trong năm nay”, Kim Rok Ho, một nhà phân tích tại Hana Financial Investment, cho biết.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo công ty nghiên cứu thị trường Display Supply Chain Consultants (DSCC), số ngày luân chuyển hàng tồn kho trung bình của Samsung trong quý II năm nay là 94 ngày, nhiều hơn khoảng hai tuần so với năm trước.
Hàng tồn kho của Samsung Electronics trong quý đầu tiên của năm nay xấp xỉ con số 38,5 tỷ USD.
Về cơ bản, số ngày luân chuyển hàng tồn kho là thời gian cần thiết để hàng tồn trong kho chuyển thành doanh số bán hàng. Thời gian càng ngắn thì gánh nặng chi phí cho nhà sản xuất càng giảm. Tài sản hàng tồn kho của Samsung Electronics trong quý đầu tiên của năm nay, được tiết lộ cho Dịch vụ Giám sát Tài chính, tăng đến 53,9% xấp xỉ con số 38,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Tồn kho thiết bị gia dụng của Samsung được cho là đã tăng lên khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng trên toàn thế giới và các hoạt động ngoài trời tăng lên, làm giảm nhu cầu thay thế thiết bị gia dụng. Đồng thời, giá thực phẩm và năng lượng tăng chóng mặt trong cuộc chiến Nga – Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng khiến người tiêu dùng trì hoãn việc thay thế các thiết bị gia dụng.
Và khi hàng tồn kho tăng lên, đã buộc Samsung phải có kế hoạch điều chỉnh việc sản xuất, họ thông báo cho các nhà cung cấp linh kiện về việc điều chỉnh khối lượng, cắt giảm sản lượng. Theo một báo cáo của tờ Korean Times cho biết, Samsung đã tạm thời đình chỉ các đơn đặt hàng mua sắm mới do lượng hàng tồn kho tăng đột biến và lo ngại về lạm phát toàn cầu.
Về lâu dài, Samsung được cho là đang tập trung vào các sản phẩm cao cấp để vượt qua khủng hoảng, vì những người có thu nhập cao mua các sản phẩm cao cấp ít bị ảnh hưởng bởi giá cao và lãi suất cao. Được biết, việc mở rộng các sản phẩm cao cấp đã được thảo luận tại Hội đồng Chiến lược Toàn cầu của công ty, bắt đầu vào thứ Ba tuần trước.
Có thể nói, việc điều chỉnh sản xuất của Samsung trong thời điểm này được coi là giải pháp nhất thời để phù hợp với tình hình kinh doanh trên toàn cầu. Trong quý đầu tiên của năm nay, doanh số thị trường TV toàn cầu giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh số QLED đã tăng 23% lên 3,3 triệu trong quý đầu tiên của năm nay.
Nguyễn Chuẩn
Diễn đàn doanh nghiệp
Để lại một phản hồi