CTCP Chứng khoánNgân hàng Sài Gòn Thương Tín dự kiến chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.500 tỷ đồng từ 10 nhà đầu tư cá nhân, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Trong số tiền dự kiến huy động, Công ty dùng 700 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán; 500 tỷ đồng cho hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn và bảo lãnh phát hành và 300 tỷ đồng cho hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Công ty giao cho Tổng giám đốc triển khai việc phát hành và thời gian dự kiến giải ngân số tiền huy động trong quý III tới quý IV/2022.
Danh sách 10 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ của SBS (Nguồn: SBS). |
Trong danh sách 10 nhà đầu tư cá nhân tham dự có 4 nhà đầu tư mua vượt 5% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn.
Cụ thể, nhà đầu tư Vi Tiến Dũng mua 26,3 triệu cổ phiếu nâng sở hữu lên 9,53% vốn điều lệ. Nhà đầu tư Nguyễn Đức Toàn mua 26,3 triệu cổ phiếu nâng sở hữu lên 9,53% vốn điều lệ.
Hai nhà đầu tư Đồng Quang Huy và Tô Thanh Sơn mua vào 26,3 triệu cổ phiếu, điều sở hữu 9,51% vốn điều lệ tại Công ty.
Phần còn lại thuộc về 6 nhà đầu tư khác.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Phan Quốc Huỳnh, Chủ tịch HĐQT đã nói, 10 năm tái cơ cấu, Công ty sắp bước sang trang mới, đổi tên, chuyển trụ sở sang địa điểm mới khang trang hơn. Đồng thời năm nay, Công ty thực hiện tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, tăng quy mô margin, tham gia các hoạt động mới trên thị trường chứng khoán.
Lãnh đạo Công ty cho biết thêm, sẽ có cổ đông lớn mới nắm quyền chi phối mới tham gia thay cho Sacombank. Do yêu cầu bảo mật trong biên bản ghi nhớ giữa hai bên nên Công ty chưa thể để lộ tên cổ đông mới, có thể trong vòng 3 tháng nữa có thể công bố thông tin về cổ đông này.
Được biết, tính tới 31/12/2021, Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín chỉ có 1 cổ đông lớn là La Mỹ Phượng. sở hữu 7,2% vốn điều lệ và còn lại 92,8% thuộc về nhóm cổ đông khác. Thêm nữa, Tổng giám đốc là ông Dương Mạnh Hùng và Chủ tịch HĐQT là ông Phan Quốc Huỳnh.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 1,1% so với cùng kỳ lên 44,26 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 401% lên 5,06 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận tăng chủ yếu do doanh thu, dự thu cổ tức, lãi tiền gửi không cố định phát sinh trong kỳ tăng thêm 0,78 tỷ đồng lên 1,26 tỷ đồng và chi phí lãi vay giảm 1,05 tỷ đồng về 2,88 tỷ đồng.
Được biết, trong 44,26 tỷ đồng tổng doanh, có 24,57 tỷ đồng đến từ hoạt động môi giới chứng khoán, chiếm 55,5% tổng doanh thu; 18,83 tỷ đồng từ hoạt động khác, chiếm 42,5% tổng doanh thu.
Lũy kế tới 31/3/2022, Công ty đang ghi nhận lỗ lũy kế 1.296,3 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 29,7 tỷ đồng (vốn điều lệ 1.266,6 tỷ đồng).
Điểm đáng lưu ý, trước thời điểm phát hành riêng lẻ, trong quý I/2022, tổng tài sản của Công ty giảm 49,9% so với đầu năm, tương ứng giảm tới 372,36 tỷ đồng về chỉ còn 373,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản cho vay đạt 260,93 tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng tài sản; các khoản phải thu khác đạt 55 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Cơ cấu các khoản cho vay và các khoản phải thu của SBS tới 31/3/2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong quý đầu năm, tài sản giảm chủ yếu do các khoản cho vay giảm 57,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 350,93 tỷ đồng về 260,93 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/6, cổ phiếu SBS tăng 300 đồng lên 8.900 đồng/cổ phiếu và thấp hơn giá phát hành riêng lẻ 10.000 đồng/cổ phiếu.
Để lại một phản hồi