Mua lại trái phiếu trước hạn do vay là không cần thiết
Theo đó, ngày 10/6, Chứng khoán VIX vừa mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Được biết, đây là trái phiếu kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 5/4/2021 và đáo hạn ngày 5/4/2024. Như vậy, sau hơn 1 năm phát hành, Công ty đã mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành.
Được biết, bối cảnh mua lại trái phiếu trước hạn của Chứng khoán VIX khi hàng loạt doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 12.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 4/2022 (sau sự kiện thu hồi lô trái phiếu Tân Hoàng Minh), tổng lượng trái phiếu mua trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Như vậy, trong tháng 4/2022, lượng trái phiếu mua lại là 11.900 tỷ đồng, gần bằng lượng mua lại trong cả quý I/2022.
Theo SSI Research: “Sau việc hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 4 chỉ phát hành 820 tỷ đồng, giảm mạnh so với các tháng trước đó”.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Chứng khoán VIX, ông Nguyễn Tuấn Dũng, thành viên HĐQT của Chứng khoán VIX khẳng định không có vấn đề gì liên quan đến câu chuyện các doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan Nhà nước đối với phát hành, cung cấp dịch vụ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian gần đây.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Đơn vị mua lại lượng trái phiếu phát hành ngày 5/4/2021, theo điều khoản được phép mua lại sau một năm kể từ ngày phát hành. Tại thời điểm phát hành, thị trường giao dịch tốt, nên Chứng khoán VIX cần bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh khi chưa thực hiện tăng vốn. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất hai đợt tăng vốn qua phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, doanh nghiệp đã tăng cường được năng lực tài chính, nên việc dùng vốn vay là không cần thiết nữa. Do đó, Chứng khoán VIX đã thực hiện mua lại số trái phiếu này”.
Được biết, trong năm 2022, Chứng khoán VIX đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 10,8% so với thực hiện trong năm 2021 về 656 tỷ đồng.
Trong năm 2022, VIX đặt kế hoạch nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống phần mềm giao dịch, đào tạo chuyên sâu đội ngũ tư vấn kinh nghiệm, đội ngũ môi giới chuyên nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho hoạt động môi giới, dịch vụ tài chính và tư vấn để tiếp tục thay đổi cơ cấu doanh thu theo hướng tăng tỷ trọng doanh thu từ các mảng dịch vụ, tư vấn, tiến tới cân đối với doanh thu từ hoạt động tự doanh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.
Tổng giám đốc Gelex muốn nâng sở hữu 25,12% vốn tại Chứng khoán VIX
Tại Đại hội, Công ty cũng thông qua cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn nhận chuyển nhượng cổ phần có quyền biểu quyết dẫn đến việc ông Nguyễn Văn Tuấn và người có liên quan sở hữu đạt hoặc vượt mức 25% số cổ phần biểu quyết của VIX mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Trong đó, bên chuyển nhượng là ông Phan Đức Lĩnh, bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Văn Tuấn với số lượng cổ phiếu dự kiến 1 triệu cổ phiếu. Như vậy, nếu giao dịch thành công, ông Tuấn và người liên quan sẽ nâng sở hữu từ 24,94% lên 25,12% vốn điều lệ VIX.
Được biết, ông Tuấn là em ruột bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán VIX. Thêm nữa, ông Tuấn cũng đồng thời là Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu VIX giảm 660 đồng về 8.950 đồng/cổ phiếu.
Để lại một phản hồi