Một doanh nghiệp hóa chất trên sàn chứng khoán tăng hơn 1 tỷ USD vốn hóa sau một năm

Trong năm 2021, cổ phiếu DGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ghi nhận đà tăng vững chắc. Cổ phiếu này liên tục đi lên và chính thức gia nhập Câu lạc bộ 100 (thị giá 3 chữ số) trong tháng 8 trước khi lập đỉnh lịch sử 177.890 đồng/cổ phiếu (phiên 13/12/2021). Ngay sau đó, DGC đi ngang rồi bước vào nhịp điều chỉnh trước khi trở lại xác lập xu hướng tăng ấn tượng kể thời điểm cuối tháng 1/2022 tới nay.

Trong phiên 22/3, DGC tăng hết biên độ 6,97% lên 213.400 đồng/cp, tăng 65% so với vùng đáy của năm là 129.200 đồng (phiên 18/1), qua đó xác lập đỉnh cao mới từ khi niêm yết. Tại mức giá 213.400 đồng/cp, vốn hóa thị trường của Hóa chất Đức Giang vượt mốc 36.500 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), tương ứng tăng hơn 26.200 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) so với thời điểm cách đây 1 năm.

Đà bứt phá của DGC diễn ra trong bối cảnh giá hàng hóa trong đó có giá các mặt hàng hóa chất neo ở mức cao do những căng thẳng địa chính trị leo thang. Nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất trong đó có DGC được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ con “bão giá” này, từ đó thu hút được dòng tiền trên thị trường.

Một doanh nghiệp hóa chất trên sàn chứng khoán tăng hơn 1 tỷ USD vốn hóa sau một năm - Ảnh 1.

Cổ phiếu DGC đạt đỉnh lịch sử, vốn hoá tăng hơn 1,1 tỷ USD sau 1 năm

Kết quả ấn tượng khi vượt 128% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021

Xét về hoạt động kinh doanh, tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song kết quả kinh doanh của DGC vẫn tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 165% lên mức 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch năm 2021 do ĐHĐCĐ đề ra.

Theo ban lãnh đạo, DGC có được kết quả kinh doanh khả quan nhờ duy trì nhà máy hoạt động hết công suất và đưa mỏ Apatit KT25 vào hoạt động làm giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó thị trường thế giới có nhiều biến động theo hướng có lợi cho các sản phẩm của Tập đoàn.

Một doanh nghiệp hóa chất trên sàn chứng khoán tăng hơn 1 tỷ USD vốn hóa sau một năm - Ảnh 2.

Với kết quả này, DGC dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 127%, bao gồm 10% cổ tức tiền mặt (đã tạm ứng) và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 117% (phát hành thêm 200,16 triệu cổ phiếu trả cổ tức).

Với kế hoạch cho năm mới 2022, doanh nghiệp đề ra mục tiêu tổng doanh thu tăng 26% so với năm 2021, đạt 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Tập đoàn dự kiến chia cổ tức năm 2022 ở mức 30%.

Đáng chú ý, DGC cũng chuẩn bị trình cổ đông thông qua phương án phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với thị giá hiện tại của cổ phiếu DGC.

Câu chuyện tăng giá của photpho vàng là chất xúc tác mạnh cho DGC

Hiện nay, DGC là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về photpho vàng, axit photphoric, phân lân và phụ gia TACN photphat tại Việt Nam. Trong năm 2021, việc Trung Quốc thiếu hụt năng lượng nội địa cộng thêm quốc gia này thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đã khiến giá phốt pho vàng (P4) liên tục tăng mạnh, tác động kéo theo đà tăng của giá phốt pho vàng tại Việt Nam. Tới nay, mặc dù giá nguyên liệu này của Trung Quốc đã có sự hạ nhiệt, song mức giá tại Việt Nam vẫn đang giữ ổn định ở khoảng 7.000 USD/tấn từ đầu năm, cao hơn so với khoảng 3.000 USD trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, phốt pho cũng là nguyên liệu chính để sản xuất chip (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin). Nắm bắt nhu cầu này, DGC đã phát triển một số hóa chất phốt pho mới phục vụ cho ngành công nghiệp pin lithium đang bùng nổ. Một số sản phẩm mẫu đã được gửi cho mảng xe điện VinFast và các khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, DGC cũng đang gửi các mẫu axit photphoric nhiệt (TPA) cao cấp cho các khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ phục vụ các ứng dụng điện tử như màn hình LCD.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã dự phóng lợi nhuận trước thuế cốt lõi (không bao gồm mảng bất động sản) của DGC có thể tăng thêm 55% và 13% lần lượt trong 2022 và 2023. VCSC đưa mỏ quặng apatit thứ hai của DGC vào dự phóng khi dự kiến mỏ này sẽ cung cấp 60% nhu cầu quặng apatit đầu vào, từ đó giúp công ty tiết kiệm 400 tỷ đồng chi phí quặng đầu vào hàng năm.

Một doanh nghiệp hóa chất trên sàn chứng khoán tăng hơn 1 tỷ USD vốn hóa sau một năm - Ảnh 3.

Nguồn: VCSC

Chung quan điểm, Chứng khoán BSC cũng duy trì quan điểm tích cực đối với hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang khi cho rằng DGC tiếp tục hưởng lợi nhờ giá hàng hóa thế giới cao và chi phí sản xuất cắt giảm so với cùng kỳ nhờ khai thác quặng Apatit từ khai trường 25.

https://babfx.com/mot-doanh-nghiep-hoa-chat-tren-san-chung-khoan-tang-hon-1-ty-usd-von-hoa-sau-mot-nam-20220322180951698.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*