Thành phố Boston, bang Massachusetts, ngày 24/7 ghi nhận nhiệt độ 37,2 độ C, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 36,7 độ C hồi năm 1933. Providence, thủ phủ bang Rhode Island, ghi nhận mức nhiệt 35,6 độ C, cao hơn hai độ so với kỷ lục cũ. Newark, bang New Jersey, ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp nhiệt độ trên 37,8 độ C, chuỗi nắng nóng dài nhất kể từ năm 1931.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) trước đó cảnh báo 85 triệu người phải đối mặt với nhiệt độ cao cực đoan, khi sóng nhiệt “cực kỳ oi bức” đang tăng cường ở vùng đông bắc, khiến ít nhất hai người thiệt mạng cuối tuần qua.
Trong khi đó, thành phố New York ghi nhận nhiệt độ 36,1 độ C, cao nhất kể từ năm 2010. Philadelphia ghi nhận 37,2 độ C, cao nhất sau 11 năm. Hai thành phố này được dự báo sẽ hứng mức nhiệt cao nhất lịch sử.
Một số siêu đô thị trên khắp vùng đông bắc đã áp dụng các biện pháp chống nóng để giữ mát cho cư dân.
Philadelphia mở rộng cảnh báo y tế khẩn về nhiệt độ đến hết 24/7. Ngoài mở cửa thư viện như những trung tâm cứu trợ khẩn, giới chức thành phố cũng cử nhân viên đến kiểm tra người vô gia cư và các nhóm dân dễ tổn thương khác. Thành phố New York kéo dài giờ mở cửa bể bơi công cộng đến 20h.
NWS cho biết thêm rằng một khối khí lạnh sẽ tiếp cận khu vực này trong hai ngày đầu tuần và làm dịu tình hình hiện tại, song có khả năng gây giông bão và gió lớn nguy hiểm.
Mặc dù tuần qua đánh dấu một trong những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài nhất từ đầu hè, thời tiết 6 tháng qua tại Mỹ không quá mát mẻ. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), nửa đầu năm 2022 nóng thứ 6 trong lịch sử Mỹ.
Đức Trung (Theo USA Today)
Để lại một phản hồi