Thỏa thuận chia sẻ khí đốt thách thức tinh thần đoàn kết của EU

Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/7 thông qua đề xuất tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga ngày càng bị thắt chặt. Thỏa thuận có thể biến thành bắt buộc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng thực sự vào mùa đông.

Để kế hoạch trên phát huy hiệu quả, 27 nước thành viên EU cần thiết lập thêm các thỏa thuận song phương về chia sẻ khí đốt. Tuy nhiên, hiện chỉ có 6 thỏa thuận song phương mới được ký, khiến những nước khác không chắc chắn họ phải chia sẻ khí đốt khi nào, như thế nào hay số tiền bồi thường được nhận hoặc phải trả.

“Các thỏa thuận song phương là thứ duy nhất hiệu quả nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung thực sự”, Christian Egenhofer, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, nói. “Chúng giúp xây dựng các công cụ pháp lý, phương án bồi thường, tài chính, đồng thời giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng”.

Các thỏa thuận “kề vai sát cánh” như vậy được ký kết nhằm tránh tâm lý hoảng loạn khi một cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt thực sự xảy ra, giảm nguy cơ các nước tích trữ nhiên liệu, từ chối giúp láng giềng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, việc thực hiện thỏa thuận như thế nào trên thực tế vẫn tùy thuộc từng nước.

Cơ sở lữu trữ khí tự nhiên Astora, lớn nhất Tây Âu, ở Rehden, Đức, ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Cơ sở lữu trữ khí tự nhiên Astora, lớn nhất Tây Âu, ở Rehden, Đức, ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Luật pháp EU quy định các thành viên có trách nhiệm chuyển khí đốt sang nước láng giềng đang gặp tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hộ gia đình và bệnh viện. Để thực hiện điều này, chính phủ các nước phải thiết lập thỏa thuận song phương.

“6 thỏa thuận song phương đã được ký là chưa đủ”, ủy viên về chính sách năng lượng EU Kadri Simson nói hồi tháng 6, kêu gọi các nước thảo luận thêm.

Bộ Kinh tế Đức cho biết họ sẽ ký thỏa thuận khí đốt với Cộng hòa Czech vào mùa đông và đang thảo luận với Ba Lan, Italy.

Một số quốc gia phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga vẫn chưa có thỏa thuận song phương nào, như Hungary. Quốc gia không giáp biển này là thành viên duy nhất phản đối thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt của EU.

Italy và Pháp tiêu thụ khí đốt nhiều chỉ sau đầu tàu kinh tế Đức. Một quan chức cấp cao Italy nói nước này đang thương lượng với Hy Lạp về lưu trữ khí đốt, trong khi Bộ Năng lượng Pháp xác nhận Paris chưa có thỏa thuận song phương nào.

Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách Bruegel, Bỉ, cho rằng EU nên áp dụng một cơ chế bồi thường bao quát hơn, trong đó quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt sẽ trả tiền để các nước khác tiết kiệm và chia sẻ nguồn năng lượng này.

“Nếu không có một cơ chế bồi hoàn như vậy, rất khó để duy trì tinh thần đoàn kết trong khối”, ông nói, bổ sung rằng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, nên là bên đóng góp đầu tiên. “Không có các điều khoản vững chắc về chia sẻ khí đốt, chúng ta có thể không thấy sự đoàn kết trên văn bản biến thành thực tế ở châu Âu”.

Ý tưởng bồi thường để chia sẻ khí đốt có thể thu hút sự quan tâm của những nước như Hy Lạp và Tây Ban Nha. Tây Ban Nha, nước không phụ thuộc khí đốt Nga, từng phản đối khi được EU đề nghị giảm tiêu thụ khí đốt để hỗ trợ những quốc gia có mức độ phụ thuộc nhiều hơn.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thăm công ty mua bán khí đốt VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Germany July 28, 2022. REUTERS/Annegret Hilse

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thăm công ty mua bán khí đốt VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức, ngày 28/7. Ảnh: Reuters.

Các nhà ngoại giao EU nói lời kêu gọi đoàn kết từ Brussels còn gợi lại nỗi khó chịu từ những thành viên phía nam châu Âu từng bị Đức chỉ trích mạnh mẽ vì chính sách kinh tế trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.

Sau khi EU thông qua thỏa thuận hôm 26/7, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera lại có quan điểm hòa giải hơn, bày tỏ sẵn lòng củng cố năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Madrid “vì lợi ích của tất cả”.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cam kết giữ dòng chảy khí đốt sang các nước láng giềng, trong đó có Áo và Czech, “vì sự đoàn kết châu Âu”.

Đức hiện là quốc gia chủ động nhất trong việc tìm kiếm các thỏa thuận đoàn kết với nước láng giềng. Các đường ống dẫn khí của Đức còn giúp chuyển khí đốt đến nhiều quốc gia Trung và Đông Âu.

Một số quốc gia không sẵn lòng hợp tác, như Hungary. Budapest tháng này thông báo sẽ dừng xuất khẩu nhiên liệu sang các nước khác. Ba Lan cũng có quan điểm mập mờ về chia sẻ nguồn cung khí đốt.

Thủ tướng Balan Mateusz Morawiecki ngày 28/7 nói quyết định bắt buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt ở EU phải được thông qua bằng nguyên tắc đồng thuận, không chấp nhận trường hợp đa số tán thành. Ba Lan cho rằng nước này đã giảm đáng kể tiêu thụ khí đốt, do đó, việc thảo luận về cắt giảm bắt buộc là “không cần thiết”.

Một nhà ngoại giao EU cho rằng việc các thành viên giúp đỡ lẫn nhau cũng là vì lợi ích của mỗi nước, bởi khủng hoảng kinh tế hoặc khan hiếm khí đốt ở một quốc gia, đặc biệt là Đức, rốt cuộc sẽ lan ra khắp liên minh.

“Nếu Đức thất thủ, tất cả chúng ta cũng thất thủ theo”, nhà ngoại giao này nhấn mạnh.

Như Tâm (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*