Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/8 gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại thành phố Sochi. Đây là cuộc gặp thứ hai của ông Putin và ông Erdogan trong hơn hai tuần. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho thấy hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong các ngành vận tải, nông nghiệp, tài chính và xây dựng.
6 quan chức phương Tây nói với Financial Times rằng họ lo ngại về các cam kết mở rộng hợp tác thương mại và năng lượng của hai lãnh đạo Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp hơn 4 giờ. Theo một quan chức Liên minh châu Âu (EU), khối này đang theo dõi chặt chẽ hơn quan hệ Moskva – Ankara sau cuộc gặp.
Một quan chức phương Tây cấp cao thậm chí cho rằng họ có thể kêu gọi các công ty, ngân hàng rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông Erdogan thực hiện kế hoạch hợp tác với Nga. Đây được coi là cảnh báo bất thường đối với một quốc gia thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu điều này trở thành hiện thực, nền kinh tế 800 tỷ USD vốn đang rất mong manh của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tổn hại đáng kể.
Ba quan chức châu Âu nói EU chưa thảo luận chính thức về những hậu quả mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt. Các bên lưu ý hiện chưa rõ ông Putin và ông Erdogan đã nhất trí những gì và EU khó áp lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh liên minh đang bất đồng về vấn đề này.
Nhưng một số quốc gia thành viên EU có thể tiến hành các hành động riêng rẽ. “Họ có thể yêu cầu các công ty lớn hạn chế giao dịch tài chính, thương mại với công ty Thổ Nhĩ Kỳ”, một quan chức nói. “Tôi không loại trừ khả năng họ có hành động quyết liệt nếu Thổ Nhĩ Kỳ xích lại quá gần với Nga”.
Động thái trên diễn ra sau khi một quan chức tình báo Ukraine và một nhà ngoại giao phương Tây nói Kiev đã thu được một dự thảo tài liệu từ Moskva, đề xuất các cách Ankara có thể giúp Moskva né lệnh trừng phạt phương Tây thông qua các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ từng nhiều lần cảnh báo áp “lệnh trừng phạt gián tiếp” với các quốc gia hỗ trợ Nga né lệnh trừng phạt. Khi gặp các lãnh đạo ngân hàng Istanbul hồi tháng 6, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cảnh báo họ không nên trở thành “kênh dẫn tiền cho Moskva”.
Tổng thống Erdogan đang theo đuổi cái mà ông gọi là cách tiếp cận “cân bằng” với Kiev và Moskva từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây gần đây trở nên căng thẳng, đặc biệt là sau khi Washington năm 2020 trừng phạt Ankara vì mua hệ thống phòng không S-400 từ Moskva. Các biện pháp trừng phạt chủ yếu vào ngành quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, hơn là nền kinh tế nói chung.
Đáp lại, ông Erdogan từng nhiều lần dọa ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ankara cũng giữ lợi thế khi là đối tác quan trọng của châu Âu trong vấn đề người tị nạn và chống khủng bố. Nước này đang tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria theo thỏa thuận ký với EU năm 2016, giúp hạn chế dòng người di cư đến châu Âu.
Như Tâm (Theo FT)
Để lại một phản hồi