“Bắn”, một chỉ huy đơn vị trinh sát hô khẩu lệnh sau khi nhận được tín hiệu từ đội pháo binh. 20 giây sau, tại một dải rừng hẹp nằm trên chiến tuyến giữa thành phố Mykolaiv của Ukraine và thành phố miền nam Kherson hiện do Nga kiểm soát, họ mới nghe thấy tiếng pháo nổ.
Khi tiếng đạn pháo vẫn rít trên đầu, một thành viên khác của nhóm, mật danh Zhora, đã phóng to màn hình thiết bị theo dõi của mình để xem nơi quả đạn pháo rót xuống. Thành viên thứ ba, Thor, nghiêng người để đánh dấu vị trí trên một máy tính bảng chạy phần mềm bản đồ Kropyva được phát triển riêng cho quân đội Ukraine.
Có thể nhìn thấy một đám khói đen trên hình ảnh do máy bay không người lái truyền về, trước khi đội trinh sát nghe tiếng đạn pháo vọng lại.
“Ồ, khá gần!” Zhora, 34 tuổi, nói, đề cập đến khoảng cách giữa điểm pháo bắn trúng và công sự của quân đội Nga, được che chắn bởi một chiếc xe bọc thép.
Đây là cách các cuộc giao tranh đang diễn ra những ngày gần đây ở Ukraine. Hai bên cố gắng bào mòn sinh lực nhau bằng các cuộc pháo kích gần như mỗi ngày, được hiệu chỉnh đường đạn bởi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) quần thảo trên bầu trời đối phương.
Abdulla, chỉ huy trung đội Terra có nhiệm vụ trinh sát bằng UAV, đã chuyển tọa độ cho đợt pháo kích tiếp theo. Giống như hầu hết các binh sĩ Ukraine khác, các thành viên trung đội chỉ gọi nhau bằng mật danh.
Chỉ vài phút trước đó, Abdulla, 33 tuổi, và các thành viên trung đội đã phải chui xuống hào trú ẩn khi Nga phát hiện UAV của họ và bắn về phía chúng nhưng không gây thiệt hại. Nhưng vài tuần trước, trung đội của Abdulla đã mất một nhóm UAV do bị lực lượng Nga vô hiệu hóa.
“Chúng tôi đang có một kiểu chiến đấu rất khác”, Abdulla nói.
“Khi tham gia chiến dịch đầu tiên của mình, tôi đã coi thường những chiếc UAV, nghĩ rằng mình phải vác súng trên vai, đi tìm kẻ thù như một người đàn ông thực thụ”, anh cho hay. “Nhưng bây giờ, tôi nhiều kinh nghiệm hơn và khôn ngoan hơn rồi”.
Dù UAV đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, mức độ sử dụng chúng trên chiến trường là điểm độc đáo của xung đột Nga – Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều vận hành UAV quân sự chuyên dụng. Phi đội UAV giám sát Orlan-10 của Nga đã tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với binh sĩ Ukraine, những người thường không có đủ phương tiện để bắn hạ chúng.
Nhưng Ukraine cũng có những mẫu UAV giám sát của riêng mình, Leleka và Furia, cùng các máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy các đoàn xe thiết giáp Nga trong những ngày đầu xung đột. Kiev cũng đã triển khai cả UAV tự sát, như những chiếc Switchblade do Mỹ sản xuất hay Warmate do Ba Lan cung cấp.
Phổ biến hơn nhiều trên tiền tuyến là các UAV thương mại, như máy bay 4 cánh DJI do Trung Quốc sản xuất. Với giá bán lẻ khoảng 3.000 USD cho một chiếc DJI Mavic 3 và 10.000 USD cho dòng DJI Matrice lớn hơn, những UAV này có thể tạo ra khác biệt rất lớn trên chiến trường, theo các binh sĩ Ukraine.
“Chúng đã trở thành mắt thần của các đơn vị trên tiền tuyến”, Alex, người từng điều khiển UAV của Ukraine trên chiến trường thành phố Lysychansk ở Donbass, nhấn mạnh. “Tình thế có thể xoay chuyển trong 10 phút và bạn cần biết đối phương đang làm gì”.
Anh cho biết khả năng gây nhiễu và tác chiến điện tử mạnh mẽ của Nga ở Donbass đã vô hiệu hóa hệ thống định vị GPS được sử dụng bởi hầu hết các UAV khác, nhưng không thể làm gián đoạn hoạt động của máy bay 4 cánh quạt như DJI Mavic 3.
Để đối đầu với đối thủ mạnh hơn và được trang bị tốt hơn, quân đội Ukraine phải trở nên linh hoạt và sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực có thể. Họ đã đưa các đội trinh sát tình nguyện sử dụng UAV như Terra vào bộ máy tác chiến của mình.
Hầu hết các thành viên của trung đội Terra, phối hợp tác chiến với một lữ đoàn bộ binh ở mặt trận Mykolaiv, từng là những người làm việc ở Kiev. Họ quen biết nhau vì cùng có đam mê hóa trang thành các hiệp sĩ Flemish thế kỷ XV. Trung đội Terra, được đặt tên theo một hành tinh trong trò chơi điện tử Warhammer, tham gia vào cuộc xung đột như một phần của lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Kiev khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2.
Vào một ngày gần đây, Abdulla và ba người lính khác, mang theo súng, hai UAV và ba lô đầy pin dự phòng, đã cùng nhau lên một chiếc xe bán tải. UAV và xe của trung đội được mua bằng tiền do các thành viên trong nhóm tự đóng góp.
Chiếc xe bán tải chạy nhanh về phía nam Mykolaiv, len lỏi qua các hố đạn pháo trên những con đường mấp mô, đi qua những ngôi làng hoang tàn sau nhiều tháng giao tranh.
Tại một dải rừng được coi là một trong những nơi tập kết của đơn vị, Abdulla, Zhora và Thor nhảy khỏi xe và chạy dưới tán cây khi chiếc xe bán tải nhanh chóng rút lui để tránh bị máy bay không người lái của Nga đang hoạt động trong khu vực phát hiện.
Khi đến nơi, Abdulla mở máy phát tín hiệu và tạo kết nối Internet. “Đã đến lúc giao tiếp không lời với người Nga”, anh nói.
Zhora bắt đầu nhiệm vụ với một chiếc DJI Mavic 3, điều khiển nó xâm nhập khu vực lực lượng Nga kiểm soát. Mẫu UAV có kích thước bằng một cuốn sách này hoạt động tương đối yên tĩnh có thể bay xa tới 6 km.
Dựa vào hình ảnh do UAV thu được, Zhora nghiên cứu vị trí các chiến hào và địa điểm phòng thủ của Nga, xác định các mục tiêu ưu tiên, như pháo, xe tăng hoặc kho đạn.
“Sẽ là một thắng lợi lớn nếu bắn trúng thứ đó, nhưng nó chạy quá nhanh”, anh nói khi chỉ vào chiếc xe chở bệ phóng hỏa tiễn Grad của Nga di chuyển trên con đường ở phía xa.
Một phút sau, Zhora phát hiện chiếc xe khác từ phía Nga, có thể là xe cứu thương bọc thép, đang di chuyển khỏi vị trí. “Có lẽ một trong số họ đã chết?” anh tự hỏi. “Hoặc có thể ai đó đã uống quá nhiều vodka”, Abdulla nói đùa.
Không có lựa chọn nào dễ dàng và Abdulla quyết định tập trung vào các công sự của Nga, nơi những chiếc xe bọc thép đang đậu dưới các tấm bê tông dày. Chỉ có một cú đánh trực diện may mắn mới có thể vô hiệu hóa lớp phòng ngự như vậy, anh cho hay.
Tuy nhiên, chiến thuật được đưa ra phức tạp hơn như thế. Bắn vào các công sự này có thể buộc lực lượng Nga phải phản ứng và bộc lộ vị trí, hay khiến họ buộc phải chuyển quân.
“Ở đây, chúng tôi chơi trò ‘mèo vờn chuột’ mỗi ngày”, Abdulla giải thích. “Chúng tôi phải duy trì áp lực, khiến họ ngày càng căng thẳng. Điều này vô cùng quan trọng, bởi đến một ngày nào đó, nếu chúng tôi tấn công hoặc họ nhận được lệnh tấn công, họ sẽ bị mất tinh thần và mệt mỏi”.
Lực lượng Nga cũng liên tục pháo kích nhằm vào những vị trí của Ukraine với lý do tương tự.
Ngay khi chiếc UAV quay trở lại từ chuyến do thám đầu tiên, một loạt tiếng nổ từ pháo binh Nga vang lên. Nhóm của Abdulla vội vã nằm rạp xuống đất và tìm chỗ ẩn nấp. Quả đạn không gây quá nhiều nguy hiểm cho họ.
“Họ không biết chúng tôi đang ở đâu”, Abdulla nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình”.
Gọi điện từ chiến hào, anh đề nghị đội pháo binh Ukraine ở phía sau chuẩn bị khai hỏa trong 30 phút nữa. Anh không biết đồng đội của mình có những loại pháo nào và đến từ đâu. Việc hỏi những thông tin chi tiết như vậy qua điện thoại, nếu bị quân đội Nga nghe lén, có thể gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Để dẫn đường cho hỏa lực pháo binh, Zhora điều khiển một chiếc máy bay không người lái DJI Matrice lớn hơn, có thể ở trên không lâu hơn và nhờ khả năng quay video vượt trội, nó không cần phải bay quá gần chiến tuyến của đối phương. Với mỗi đợt bắn pháo, người hiệu chỉnh mục tiêu như Zhora phải cố gắng đưa những quả đạn pháo đến gần vị trí của quân Nga nhất có thể. Trong ngày hôm đó, dường như không có cú bắn nào đạt được hiệu quả như họ mong đợi.
Vào ngày hôm trước, đạn pháo của Ukraine đã bắn trúng khu rừng nơi các binh sĩ Nga ẩn nấp.
Vào ngày hôm sau, Abdulla cho biết nhờ thông tin dẫn hướng mà nhóm anh cung cấp, hỏa lực pháo binh Ukraine đã bắn trúng một chiếc xe chiến đấu bộ binh của Nga và sau đó tiếp tục tấn công khi binh sĩ Nga xuất hiện từ các ụ súng để cố gắng dập tắt đám cháy.
Khi hỏa lực Nga đáp trả, đội của Abdulla chuyển vị trí và kết thúc nhiệm vụ trong ngày. Nhìn chung, lượng pháo cả hai bên sử dụng dường như tương đương nhau, một bước thay đổi đáng kể so với trước đây, khi Nga áp đảo quân đội Ukraine ở khu vực này. Những cuộc tấn công bằng pháo phản lực HIMARS do Mỹ viện trợ Ukraine đã nhắm vào các cây cầu và trung tâm hậu cần của Nga trên khắp khu vực Kherson những tuần gần đây, gây ra không ít trở ngại.
“Có thể họ sắp hết đạn”, Abdulla nói. “Hoặc có thể họ đang tiết kiệm đạn cho một cuộc tấn công lớn. Hay có thể sĩ quan của họ đã đến sở chỉ huy để họp, nên họ sẽ không khai hỏa pháo đáp trả nếu thiếu mệnh lệnh từ ông ấy”.
Gói ghém UAV, nhóm lặng lẽ chờ đợi khi chiếc xe bán tải lao lên từ phía sau, chở họ rời khỏi tiền tuyến trong nháy mắt. “Chúng tôi sẽ trở lại vào ngày mai,” Abdulla cho hay. “Chúng tôi là những kẻ săn mồi lớn nhất trong khu vực này”.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
- Lò huấn luyện lính Ukraine của cựu binh phương Tây
- Những người duy trì huyết mạch vũ khí cho Ukraine
- Phương Tây nỗ lực củng cố sức mạnh không quân Ukraine
- Vũ khí phương Tây cản đà tiến của Nga ở Donbass
Để lại một phản hồi