Dự án Lego 1 tỷ USD và chuyện về “bộ lọc” FDI

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Tập đoàn Lego và chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP 3

Từ “bước ngoặt” Lego

Cuối tuần trước, dự án 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chính thức được trao chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bình luận về dự án này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đã nói rằng, Lego hiện chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu, do đó, việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công rực rỡ trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

“Việc các doanh nghiệp danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng vốn FDI, đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Matthew Powell nói.

Nhưng không chỉ vậy, như Báo Đầu tư đã từng thông tin, dự án 1 tỷ USD của Lego còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Preben Elef, Phó chủ tịch Tập đoàn Lego cho biết, Dự án được phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà và cánh đồng năng lượng mặt trời, đồng thời là nhà máy “bền vững nhất” của Tập đoàn trên thế giới. Trước đó, vào thời điểm Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án được ký kết, ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành của Lego cho biết, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn.

Một sự trùng hợp là, chỉ trước đó chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về việc xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, nhằm đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bởi thế, khi Dự án của Lego được công bố, các ý kiến bình luận của các chuyên gia đều cho rằng, đó là một sự ủng hộ của các nhà đầu tư đối với Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại COP26. Và rằng, đây chính là dòng đầu tư thế hệ mới mà Việt Nam đang hướng tới.

Với ý nghĩa đó, có thể nói, dự án của Lego là một “dấu mốc xanh” mới trong dòng FDI vào Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, đã đến lúc, không chỉ Lego, mà các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đều phải coi trọng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong hoạt động đầu tư của mình.

Trên thực tế, thời gian qua, dù đã có những nhà đầu tư nước ngoài cam kết và đầu tư cho phát triển bền vững ở Việt Nam, song tỷ lệ này chưa lớn, nên cần phải xem đó là xu thế không thể đảo ngược, là trách nhiệm mà nhà đầu tư cần nghiêm túc thực thi.

Chuyện về “bộ lọc” FDI của Việt Nam

Dù đó là trách nhiệm của nhà đầu tư và thậm chí là đòi hỏi sống còn, bởi càng ngày các nước trên thế giới – nhất là châu Âu – càng đưa ra nhiều tiêu chí gắt gao về môi trường, về vấn đề phát thải khí nhà kính, tăng trưởng bền vững… đối với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường, song không dễ để các nhà đầu tư tự nguyện xanh.

Đã đến lúc, không chỉ Lego, mà các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đều phải coi trọng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong hoạt động đầu tư của mình.

Vấn đề là phải có “bộ lọc” ngay từ ban đầu, để Việt Nam quyết định lựa chọn hay không lựa chọn dự án đó. Khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, câu chuyện này đã được đặt ra. Khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, vấn đề này càng được đặt ra gắt gao hơn.

Thực tế, thời gian qua, không ít địa phương đã nói “không” với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu. Tuy vậy, đó vẫn chỉ là câu chuyện tự phát ở mỗi địa phương. Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần xây dựng được các tiêu chí ở tầm quốc gia, như suất đầu tư ra sao, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường như thế nào… để có thể lựa chọn dự án FDI tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định điều này. Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ bộ tiêu chí để lựa chọn dự án FDI. Trong bộ tiêu chí này, ngoài các tiêu chí về suất đầu tư/ha đất, số lao động tại mỗi dự án đầu tư, hàm lượng công nghệ cao của dự án, cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư, khả năng liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước, đảm bảo quốc phòng an ninh, thì bảo vệ môi trường cũng là một tiêu chí được đặc biệt nhấn mạnh.

“Hầu hết các tiêu chí này đã được thể chế hóa trong các quy định của Luật Đầu tư. Một số tiêu chí sẽ được các bộ đưa vào các luật chuyên ngành”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Không chỉ là tiêu chí lựa chọn dự án FDI, mà một bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả FDI cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ. Bộ tiêu chí này bao gồm 26 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu về kinh tế, 5 chỉ tiêu về xã hội và 3 chỉ tiêu về môi trường.

Riêng về môi trường, bao gồm các chỉ tiêu về tỷ lệ doanh nghiệp FDI áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng; tỷ lệ doanh nghiệp FDI áp dụng tiêu chuẩn ISO về hệ thống quản lý chất lượng; tỷ lệ doanh nghiệp FDI đạt tiêu chuẩn về môi trường nước thải, khí thải và chất thải rắn.

Các tiêu chí này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, sẽ giúp đánh giá tác động của dự án FDI đối với môi trường và các biện pháp doanh nghiệp bảo vệ môi trường. “Lọc” cả đầu vào và kiểm soát chặt cả đầu ra là cách để Việt Nam không chỉ chọn được dự án FDI tốt, mà còn “bắt” nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm và nghĩa vụ cao hơn đối với kinh tế – xã hội Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ tối ưu hóa được lợi ích dòng vốn FDI!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*