PYN Elite ghi nhận hiệu suất dương trong tháng 7 sau chuỗi âm 5 tháng liên tiếp

PYN Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 7. Đơn vị này nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khởi đầu khó khăn vào đầu tháng khi VN-Index giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng khi chạm mốc 1.149 điểm ngày 6/7. Sau khi chạm đáy, thị trường phục hồi trong phần còn lại của tháng 7 trước khi kết thúc tháng với mức tăng 0,7% so với tháng trước đó. Sự khởi sắc này được thúc đẩy nhờ động lực toàn cầu tích cực và kết quả kinh doanh quý II khả quan, đặc biệt là ngành ngân hàng.

Trong khi đó, PYN Elite ghi nhận hiệu suất 0,9% trong tháng 7 nhờ vào sự tăng trưởng của 3 cổ phiếu ACV, MBB và CTG. Cụ thể, xét theo giá điều chỉnh, mã ACV tăng 8%, MBB tăng 6%, và CTG tăng 4%.

PYN Elite ghi nhận hiệu suất dương trong tháng 7 sau chuỗi âm 5 tháng liên tiếp - Ảnh 1.

Theo đó, quỹ đến từ Phần Lan chấm dứt chuỗi âm hiệu suất trong 5 tháng liên tiếp, và cũng là chuỗi dài nhất kể từ tháng 8/2018. Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của PYN Elite Fund âm 19,3%, thấp hơn mức giảm của VN-Index (âm 19,5%).

Tuy nhiên, VN-Index vẫn hoạt động kém hiệu quả hơn khi so sánh với thị trường toàn cầu. Song Pyn Elite cho rằng, định giá của VN-Index cho thấy sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, với P/E dự phóng năm 2022 ở mức 11,1 lần khi so với mức 15,4 lần của chỉ số thế giới MSCI ACWI.

PYN Elite ghi nhận hiệu suất dương trong tháng 7 sau chuỗi âm 5 tháng liên tiếp - Ảnh 2.

Theo PYN Elite, sau sự tăng trưởng mạnh của GDP trong quý II, dữ liệu vĩ mô tháng 7 cho thấy quý III có khả năng tăng trưởng mạnh hơn nữa. Trong tháng 7, sản xuất công nghiệp tăng 11,2% so với năm trước, xuất khẩu tăng 8,9%, giải ngân vốn FDI tăng 20%. Doanh số bán lẻ tăng đáng kể so với cùng kỳ, với mức tăng 42,6%. Đây cũng là mức cao nhất trong 3 năm gần đây khi cao hơn con số 12% của năm 2020 và 18% của năm 2019. Nguồn thu từ mảng du lịch trong tháng 7 tăng 3451% so với cùng kỳ và bằng 82% của con số tháng 7/2019 (thời điểm chưa xuất hiện Covid-19). Ngoài ra, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức 3,14%. Pyn Elite đánh giá trong thời gian tới áp lực lạm phát sẽ giảm khi giá xăng dầu đang trên đà đi xuống.

Cổ phiếu nổi bật trong tháng 7 là VHM. PYN Elite đánh giá Vinhomes là điểm sáng của thị trường bất động sản khi ghi nhận doanh thu bán nhà trước khi hoàn thiện ở mức kỷ lục trong quý II với 3,2 triệu USD, tăng 250% so với năm trước tính từ thời điểm ra mắt dự án The Empire rộng 460 ha. Đây là dự án đầu tiên trong số 4 dự án lớn mà Vinhomes dự kiến ra mắt trong 1,5 năm tới sau thời gian đại dịch Covid-19 trong bối cảnh thị trường tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng dù nhu cầu gia tăng. Với tổng diện tích 1.270 ha và tổng giá trị phát triển dự án 17,5 tỷ USD, các dự án này được kỳ vọng sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho Vinhomes trong thời gian 2023-2024.

Tính tới cuối tháng 7, quy mô danh mục (AUM) của PYN Elite Fund đạt 725,5 triệu EUR (khoảng 17.310 tỷ đồng). Cuối tháng 6, AUM của PYN ở mức 712,1 triệu EUR (khoảng 17.384 tỷ đồng). Theo đó, sau 1 tháng quy mô danh mục của quỹ đã tăng 1,9%, tương đương 13,4 triệu EUR. Tuy nhiên nếu xét về giá trị theo VND, quy mô quỹ ngoại này đã giảm khoảng 74 tỷ đồng do tỷ giá EUR/VND giảm từ mức 1 EUR đổi 24.412 VND xuống 1 EUR bằng 23.859 VND.

PYN Elite ghi nhận hiệu suất dương trong tháng 7 sau chuỗi âm 5 tháng liên tiếp - Ảnh 3.

Về cơ cấu danh mục khoản đầu tư, top 10 danh mục PYN có một số biến động trong tháng qua. Cổ phiếu CTG vượt VHM lên vị trí thứ nhất với tỷ trọng 16,9% tương đương 122,6 triệu EUR. Khoản đầu tư vào Vinhomes tụt xuống vị trí thứ 2 với giá trị 121,2 triệu EUR, chiếm 16,7%.

Ngoài ra, cổ phiếu TPB tụt 1 hạng xuống vị trí thứ 6 với 63,1 triệu EUR, tỷ lệ 8,7%. Trong khi đó, mã ACV được nâng hạng lên thứ 5 với 65,3 triệu EUR.

PYN Elite ghi nhận hiệu suất dương trong tháng 7 sau chuỗi âm 5 tháng liên tiếp - Ảnh 4.

Theo thông tin PYN Elite công bố, ACV là cổ phiếu tăng trưởng tích cực nhất trong tháng 7 với mức tăng 10,1% (đây là mức tăng xét theo giá chưa điều chỉnh). Theo sau là NLG và KDC, với mức tăng lần lượt là 9,4% và 8,6%. Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu VHM giảm nhiều nhất với 3,5%, xếp sau là MIC (âm 3,1%) và TPB (âm 2%).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*