Nhắc đến nhóm cổ phiếu phòng thủ, không thể không kể tới nhóm ngành nước. Đặc biệt, nhóm này còn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng bởi sự tăng trưởng ổn định và chia cổ tức đều đặn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trồi sụt từ đầu năm, cổ phiếu nước nổi bật là BWE và TDM là 2 doanh nghiệp nước tại Bình Dương được chú ý đến nhờ sự ổn định về thị giá và triển vọng tăng trưởng lâu bền.
Tính từ đầu năm đến hết 18/8, bất chấp chỉ số chính sụt giảm gần 17%, thị giá của BWE – cổ phiếu của Công ty CP Nước Môi trường Bình Dương đi ngược xu hướng, tăng hơn 11%. Tương tự, TDM – cổ phiếu của Nước Thủ Dầu Một, tăng mạnh gần 14% về giá trị tương đối và hiện TDM đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử.
Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành nước vừa cập nhật, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá rằng nhu cầu nước công nghiệp của Bình Dương sẽ cải thiện nhờ mảng sản xuất công nghiệp phát triển nhanh chóng khi các KCN mới sắp được đưa vào hoạt động giai đoạn 2022-2025. Hai KCN mới là KCN VSIP III tại huyện Tân Uyên (1.000 ha) và KCN Cây Trường (1.000 ha) tại huyện Bàu Bàng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng tỉnh Bình Dương đang trên đà phục hồi khi ảnh hưởng của Covid-19 giảm dần. Đặc biệt, Bình Dương hiện nằm trong top 5 tỉnh thành của Việt Nam về thu hút vốn FDI đăng ký mới trong 5 năm qua và có quỹ đất KCN lớn nhất Việt Nam. Theo VSCS, sự tăng trưởng này cuối cùng sẽ dẫn đến tiêu thụ nước có khả năng phục hồi.
Trong dài hạn, VCSC nhận định nhu cầu nước dân dụng tại Bình Dương sẽ tăng nhờ tăng dân số và tái định cư – đặc biệt tại các khu vực ngoại thành TP. HCM như Dĩ An. Gần đây, dự án Vành đai 3 dài 70km (vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD) kết nối TP. HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương đã nhận được phê duyệt đầu tư từ Quốc Hội. Dự án này dự kiến khởi công từ giữa năm 2023 và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2026. Do vậy, VCSC cho rằng các dự án hạ tầng như Vành đai 3 sẽ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển liên tỉnh và hỗ trợ dân nhập cư vào tỉnh Bình Dương.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp lớn ngành nước tại Bình Dương này đang đầu tư thêm vốn vào CTCP Cấp nước Gia Tân (GIWACO). Trong 6 tháng đầu năm 2022, BWE và TDM đã đầu tư thêm vốn vào GIWACO nhằm mở rộng HĐKD cấp nước tại tỉnh Đồng Nai. Do đó, vốn cổ phần của GIWACO đã tăng thêm 50% lên 300 tỷ đồng.
Theo VCSC, nguồn vốn này được dùng để nâng công suất của GIWACO lên gấp 3 lần, đạt 60.000 m3. GIWACO đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối đến các huyện khác ngoài huyện Thống Nhất như Long Khánh, Cẩm Mỹ và Định Quán vào quý 4/2022. Ngoài ra, GIWACO đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng nước thương phẩm YoY lên khoảng 2 triệu m3 trong năm 2022.
Với những phân tích trên, các chuyên gia VCSC duy trì dự báo sản lượng nước thương phẩm của BWE sẽ tăng trưởng 12%-17% trong giai đoạn 2023-2026 so với mức tăng trưởng trung bình trước dịch COVID-19 là 17%/năm.
VCSC cho rằng BWE có thể được cấp phép cho dự án cấp nước cho Cao tốc Long Thành. Hiện Biwase đã trình đề xuất đầu tư cho tỉnh Đồng Nai và kỳ vọng nhận được phê duyệt nửa cuối năm nay. Hơn nữa, nhà máy nhiệt điện công suất 5 MW đang đi đúng tiến độ để đưa vào vận hành trong quý 4/2022. Tính đến ngày 30/6, BWE đã chi 172 tỷ đồng – hơn 50% tổng vốn xây dựng cơ bản cho nhà máy nhiệt điện sử dụng nguồn nhiệt từ xử lý nước thải, nhằm giảm chi phí điện và cải thiện biên lợi nhuận của mảng này.
Đối với TDM, VCSC cũng kỳ vọng sản lượng nước thương phẩm của TDM sẽ tăng trưởng 12%-18% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo so với mức tăng trưởng trung bình trước dịch COVID-19 là 31%/năm.
Tiềm năng tăng trưởng được VCSC dự báo nhờ vào kỳ vọng tăng tốc đầu tư vào nhà máy cấp nước Bàu Bàng sẽ giúp tăng gấp đôi công suất của TDM trong 5 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch nâng công suất của nhà máy Bàu Bàng từ 60.000 m3/ngày lên 260.000 m3/ngày.
Để lại một phản hồi