Gỗ An Cường được chấp thuận niêm yết cổ phiếu tại HoSE

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định chấp thuận niêm yết 135,8 triệu cổ phiếu Gỗ An Cường (UPCoM: ACG). Ngày chấp thuận niêm yết 25/8.

Gỗ An Cường chuyên sản xuất gỗ gia dụng, hàng trang trí nội thất, gỗ dán, gỗ lạng, ván ép… Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM vào tháng 8/2021. Cổ phiếu hiện giao dịch vùng 66.000 đồng/cp, không có nhiều biến động và thanh khoản thấp (giao dịch vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên).

Đầu năm nay, doanh nghiệp tiến hành chào bán 4,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để bổ sung vốn lưu động cũng như thỏa mãn điều kiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE. Trong tháng 4 vừa qua, công ty phát hành tiếp 44 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ phát hành 50% để tăng vốn lên 1.358 tỷ đồng như hiện nay.

Về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp gỗ ghi nhận 1.915 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 279 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Công ty gỗ thực hiện được 45% mục tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại hội thảo KB Connect ngày 25/8, ông Trần Lương Thanh Tùng, Thành viên HĐQT cho biết nửa cuối năm 2021 hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng đến nửa đầu năm nay đã ổn định trở lại và ghi nhận tăng trưởng. Với tốc độ bán hàng và tình hình thị trường hiện tại, ban lãnh đạo tự tin kết quả kinh doanh năm nay sẽ cao hơn 2021.

Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

Ông Ngụy Thanh Vỹ, Giám đốc quan hệ đầu tư cho biết Gỗ An Cường hiện nắm 55% thị phần gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam và đặt mục tiêu tăng lên 70% vào 2025.

Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ thị trường nội địa, song từ 2018 bắt đầu đẩy mạnh thị trường xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường bất động sản trong nước. Theo đó, từ việc doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 6% vào năm 2018 đã tăng lên 15% vào năm 2021. Gỗ An Cường đã xuất khẩu sản phẩm vào 15 quốc gia, trọng tâm là Mỹ. Công ty đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng xuất khẩu đạt 15-18% tổng doanh thu.

Liên quan đến lạm phát tăng cao hiện nay, ông Tùng thông tin tình hình tiêu thụ trong nước vẫn khả quan. Về mặt xuất khẩu, thị trường chính là Bắc Mỹ có ảnh hưởng, lạm phát tăng cao khiến tiêu dùng giảm trong khi tồn kho ở mức cao. Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng về mặt dài hạn thị trường Mỹ vẫn khả quan, song lạm phát khiến tiêu thụ chậm lại trong ngắn hạn và có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

An Cường đã có 2 nhà máy, nhà máy số 1 được xây dựng từ lâu và đạt công suất khoảng 100-120%. Nhà máy số 2 được xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh, công suất mới đạt 50-60%. Công ty đang đẩy mạnh thị trường xuất khẩu để gia tăng công suất. Ông Vỹ cho biết chỉ khi các nhà máy đạt công suất 100% trở lên mới triển khai tiếp việc đầu tư nhà máy mới.

Trong cơ cấu khách hàng, nhóm nhà thầu, đơn vị thi công, đại lý đang đóng góp tổng doanh thu lớn nhất 69; nhóm nhà phát triển bất động sản như Vingroup, Novaland đóng góp 11%, xuất khẩu 15% và khách tiêu dùng 5%. Công ty có gần 30 showroom trên toàn quốc, chủ yếu ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, mục tiêu giai đoạn 2022-2025 phát triển thêm 30 showroom.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*