Mỹ viện trợ thêm 600 triệu USD khí tài cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ quân sự 600 triệu USD nhằm giúp quân đội Ukraine đối phó Nga, theo nội dung thông báo Nhà Trắng gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/9. Ông Biden đã dùng Quyền Rút vốn Tổng thống (PDA) để phê chuẩn.

PDA cho phép ông chủ Nhà Trắng duyệt kế hoạch chuyển giao khí tài và dịch vụ quân sự từ biên chế Mỹ mà không cần quốc hội phê chuẩn. Đây là lần thứ 21 Lầu Năm Góc rút vũ khí và trang bị từ kho để hỗ trợ Ukraine.

Không quân Mỹ chuyển thiết bị quân sự viện trợ cho Ukraine lên phi cơ vận tải ở căn cứ không quân Yokota, Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/3. Ảnh: AFP.

Không quân Mỹ chuyển thiết bị quân sự viện trợ cho Ukraine lên phi cơ vận tải ở căn cứ không quân Yokota, Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/3. Ảnh: AFP.

Thông báo từ Nhà Trắng còn đề cập ngân sách đào tạo và huấn luyện quân sự cho Ukraine nhưng không nêu cụ thể.

Theo Lầu Năm Góc, gói hỗ trợ lần này bao gồm các hệ thống pháo phản lực HIMARS, kính nhìn đêm, mìn claymore, thiết bị rà phá mìn, đạn pháo 105 mm và đạn pháo dẫn đường chính xác 155 mm.

“Để đáp ứng những yêu cầu theo diễn biến trên chiến trường, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để cung cấp cho Ukraine các khí tài quan trọng”, Lầu Năm Góc cho biết.

Sau hơn 6 tháng tiến hành chiến dịch quân sự, lực lượng Nga và phe ly khai kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk cùng nhiều địa phương ở miền đông và miền nam Ukraine. Kiev đầu tháng 9 mở đợt phản công và tái kiểm soát một số thành phố ở tỉnh Kharkov tại vùng đông bắc. Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky ngày 12/9 nói Kiev đã giành lại khoảng 6.000 km2 lãnh thổ mà Nga kiểm soát.

Mỹ là bên hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine. Washington đã gửi hơn 15 tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev kể từ khi xung đột bùng phát. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự Kiev đầu năm 2023.

Giới chức Mỹ đang theo dõi diễn biến đợt phản công của Ukraine nhưng thận trọng, chưa coi đây là thắng lợi cho Kiev, lưu ý Nga vẫn còn tiềm lực hùng hậu. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng những vũ khí chính xác mà nước này và đồng minh cung cấp cho Ukraine là “chìa khóa” cho sự thay đổi trên chiến trường.

Điện Kremlin ngày 14/9 cảnh báo Nga sẽ tăng cường độ chiến dịch quân sự nếu Ukraine ký thỏa thuận đảm bảo an ninh với Mỹ và phương Tây, đề cập một tài liệu kêu gọi các nước phương Tây cung cấp “nguồn lực chính trị, tài chính, quân sự và ngoại giao” để nâng cao năng lực tự vệ của Ukraine trong những năm trước khi gia nhập NATO, tạo cơ sở cho nền quốc phòng mới.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 6 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 6 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP, Washington Post)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*