Ấn Độ tăng sức ép với công ty Trung Quốc

Văn phòng Điều tra Lừa đảo Nghiêm trọng (SFIO) thuộc Bộ Các vấn đề Doanh nghiệp Ấn Độ hồi đầu tuần thông báo bắt người đàn ông có biệt danh “Mr. Dortse”, cho biết đây là “ông trùm đứng sau hàng loạt công ty bình phong có liên hệ với Trung Quốc tại Ấn Độ và cung cấp các giám đốc giả cho ban lãnh đạo của họ”.

Các doanh nghiệp bình phong bị cáo buộc tham gia “nhiều hoạt động phạm tội làm phương hại đến nền tài chính của Ấn Độ”. Vụ bắt nghi phạm “Mr Dortse” được coi là động thái mới nhất trong chiến dịch của giới chức Ấn Độ nhằm tăng cường sức ép với các công ty Trung Quốc suốt nhiều tháng qua.

Khách hàng tập trung tại gian hàng Xiaomi trong một sự kiện ở Ấn Độ hồi năm 2019. Ảnh: AP.

Khách hàng tập trung tại gian hàng Xiaomi trong một sự kiện ở Ấn Độ hồi năm 2019. Ảnh: AP.

Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 8 hối thúc các cơ quan hành pháp triển khai nỗ lực phối hợp nhằm điều tra tình hình tài chính của nhiều công ty Trung Quốc, dẫn đến hàng loạt cáo buộc trốn thuế và rửa tiền. Các tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc như Xiaomi và Vivo, vốn chiếm thị phần lớn trong thị trường smartphone Ấn Độ, đang đối mặt với những nghi vấn về bất thường tài chính.

SFIO hồi tháng 5 tuyên bố tịch thu 725 triệu USD từ Xiaomi và cáo buộc công ty này chuyển tiền bất hợp pháp. Bộ Tài chính Ấn Độ sau đó cũng yêu cầu Xiaomi nộp khoản thuế nhập khẩu 87,8 triệu USD chưa được thanh toán.

Giới chức Ấn Độ sau đó khám xét hàng chục văn phòng Vivo, tịch thu 119 tài khoản ngân hàng liên quan đến Vivo India với tổng số tiền tích lũy khoảng 58,7 triệu USD. Động thái tương tự cũng được tiến hành với Xiaomi và Huawei.

Tổng cục Thực thi (ED), cơ quan hành pháp và tình báo kinh tế thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ, đầu tháng 9 cũng khám xét văn phòng của nhiều dịch vụ thanh toán tài chính. “Các ứng dụng liên quan tới Trung Quốc đã tham gia không ít vụ tống tiền và quấy rối người dân địa phương vì những khoản vay nhỏ”, cơ quan này cho hay.

Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững, cho rằng những đợt trấn áp nằm trong chiến lược tách rời New Delhi khỏi Bắc Kinh. Đây là nỗ lực ngày càng quan trọng trong bối cảnh Ấn Độ tìm cách xây dựng nền tảng sản xuất nội địa và trở thành giải pháp thay thế cho Trung Quốc với giới đầu tư nước ngoài.

“Tránh xa hệ thống mờ đục, trong đó cho phép các công ty bình phong hoạt động và thiếu vắng biện pháp chống tham nhũng, đồng thời thực thi pháp luật hiệu quả và xây dựng quy tắc minh bạch là những yếu tố quan trọng với môi trường đầu tư dài hạn mà Ấn Độ đang theo đuổi”, ông Capri nhận định.

Vũ Anh (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*