Lệnh động viên một phần được Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành hôm 21/9 được coi là một nỗ lực nhằm tăng quân cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết lệnh này sẽ huy động khoảng 300.000 cựu binh có kinh nghiệm quân sự, không bao gồm sinh viên hay lính nghĩa vụ, và họ sẽ được huấn luyện bổ sung trước khi ra chiến trường.
Lệnh huy động quân đang tạo ra những phản ứng trái chiều bên trong nước Nga, đồng thời thổi bùng tranh cãi ở nhiều nước châu Âu, khi họ chứng kiến làn sóng di cư khỏi Nga nhằm né tránh lệnh gọi nhập ngũ.
Nhiều cửa khẩu biên giới với Nga ghi nhận lượng người rời đi gia tăng sau khi lệnh động viên được phát ra. Phần Lan, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có đường biên giới dài 1.340 km với Nga, ghi nhận khoảng 7.000 người nhập cảnh từ Nga hôm 22/9, trong đó khoảng 6.000 người là công dân Nga, tăng 107% so với một tuần trước đó.
Người Nga hiện nay khó có thể tới đa số các nước EU, khi các chuyến bay thẳng đều bị ngừng và các cửa khẩu đường bộ đang đóng lại. Dù vậy, các nước trong khối đang tranh cãi về cách đối xử với những người đàn ông Nga rời đất nước để tránh phải cầm súng ở Ukraine.
Giới chức Đức đã bày tỏ mong muốn giúp những người Nga ra nước ngoài để né tránh lệnh triệu tập và kêu gọi châu Âu đưa ra một giải pháp chung cho vấn đề. Dù vậy, Berlin bác bỏ khả năng cấp quyền tị nạn cho lính Nga đào ngũ hay những người từ chối thực thi lệnh gọi nhập ngũ đã được ban hành.
Tại Pháp, các thượng nghị sĩ cho rằng châu Âu có nghĩa vụ giúp đỡ những người Nga ra nước ngoài sau lệnh động viên, đồng thời cảnh báo việc không cấp nơi ăn chốn ở cho họ có thể là cái cớ để Moskva cáo buộc phương Tây duy trì thái độ thù địch với Nga.
“Đóng cửa biên giới không phù hợp với các giá trị cũng như lợi ích của chúng ta”, một nhóm hơn 40 thượng nghị sĩ Pháp tuyên bố.
Dù vậy, các quốc gia EU khác kiên quyết cho rằng không nên cấp quyền tị nạn cho những người đàn ông Nga rời đất nước vào thời điểm này, khi chiến sự ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 8.
Edgars Rinkevics, ngoại trưởng Latvia, nước cũng là một thành viên EU có biên giới chung với Nga, cho rằng cuộc di cư gây ra “rủi ro an ninh lớn” cho khối và nhiều người rời Nga hiện nay cũng không thể được coi là những người phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine, bởi họ đã im lặng trong nhiều tháng qua.
Rinkevics cho rằng không ít người Nga “vẫn cảm thấy ổn” với cuộc xung đột trong hơn 7 tháng qua, thêm rằng họ vẫn “có thể đến rất nhiều nước khác bên ngoài châu Âu”.
Phần Lan cũng cho hay họ có ý định “hạn chế đáng kể” người Nga nhập cảnh vào EU qua biên giới nước này. Petteri Orpo, lãnh đạo đối lập Phần Lan, nói rằng việc tiếp nhận những người Nga trốn lệnh nhập ngũ là một rủi ro an ninh “rõ ràng” và “chúng ta phải đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu”.
Giới chuyên gia đánh giá lệnh động viên một phần của Nga là nỗ lực nhằm bù đắp tổn thất về nhân lực gần đây vì chiến dịch phản công mà Ukraine phát động từ giữa tháng 9.
Với các chỉ huy quân sự cả ở Ukraine và Nga, họ đang phải chạy đua với thời gian khi mùa đông sắp đến sẽ khiến tình hình chiến trường trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Theo báo cáo ngày 25/9 từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở tại Washington, Mỹ, mưa lớn những ngày gần đây đang khiến mặt đất trở nên lầy lội hơn, hạn chế đáng kể khả năng cơ động của xe tăng cũng như các vũ khí hạng nặng khác.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine vẫn giành được lợi thế trong chiến dịch phản công, giúp đẩy lùi quân đội Nga trên nhiều khu vực rộng lớn ở phía đông bắc đất nước. Điều này cũng được coi là một phần nguyên nhân thúc đẩy Tổng thống Putin ban bố lệnh động viên quân.
Việc huy động quân đánh dấu một bước thay đổi mạnh mẽ so với những nỗ lực trước đây của ông Putin nhằm miêu tả cuộc xung đột ở Ukraine như một chiến dịch quân sự hạn chế sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Sự thay đổi này và những trục trặc ban đầu trong quá trình thực thi lệnh động viên đã gây nhiều xáo trộn trong dư luận Nga, khi cả những người ủng hộ Điện Kremlin cũng lên tiếng chỉ trích.
“Thông báo cho biết độ tuổi tuyển quân có thể tới 35, nhưng lệnh triệu tập bây giờ đang áp dụng cho những người 40 tuổi. Họ đang khiến mọi người phẫn nộ, như thể đó là hành động cố tình, bất chấp”, Tổng biên tập RT Margarita Simonyan, một trong những người ủng hộ nhiệt thành của Điện Kremlin, đăng trên Telegram cuối tuần qua.
Đã xuất hiện hàng loạt thông tin về việc nhiều người đàn ông không có kinh nghiệm quân sự hoặc quá tuổi nhập ngũ cũng nhận được giấy triệu tập, dẫn tới các cuộc biểu tình nổ ra. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ khắc phục những sai sót trong quá trình tuyển quân này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/9 cho hay thông tin về việc người Nga rời khỏi đất nước vì lệnh điều động đang bị phóng đại quá mức. Phát ngôn viên quân đội Nga Vladimir Tsimlyansky trong khi đó nói rằng trong ngày đầu tiên của đợt điều động một phần, khoảng 10.000 công dân đã tự nguyện đến các văn phòng tuyển mộ mà không cần chờ lệnh triệu tập.
Tổng thống Putin sau đó ra sắc lệnh miễn gọi nhập ngũ sinh viên tại các trường dạy nghề và đại học. Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ngày 25/9 cam kết giới chức sẽ xử lý triệt để mọi khiếu nại nhận được về những sai sót trong quá trình tuyển quân.
Daniil, một lập trình viên phần mềm 35 tuổi, cho biết dòng người xếp hàng tại cửa khẩu đường bộ với Gruzia đã kéo dài khoảng 10 km và phải chờ 24 tiếng.
“Tôi có tấm thẻ cho biết tôi là lính dự bị đã quá tuổi”, Daniil nói sau khi đến được thủ đô Tbilisi của Gruzia. “Nhưng tôi biết chúng tôi đều là lính dự bị và một ngày nào đó có thể bị gọi nhập ngũ, nên tôi quyết định rời đi”.
Vũ Hoàng (Theo AP, Time, Sputnik)
- Tâm trạng của những người rời Nga sau lệnh động viên quân
- Cảm xúc lẫn lộn của người Nga trước lệnh động viên quân
- Động viên quân, Nga khó thay đổi cục diện chiến trường Ukraine
- Lý do ông Putin không phát lệnh tổng động viên
Để lại một phản hồi