188 cổ phiếu nằm sàn
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 ghi nhận sự lao dốc mạnh của cả ba chỉ số chứng khoán. Giao dịch sôi động hơn ở cuối phiên chiều khi các cổ phiếu cắm đầu giảm, nhiều cổ phiếu giảm kịch biên độ cho phép.
Đến cuối phiên, VN-Index giảm 45,67 điểm (-4,03%) xuống 1.086,44 điểm. HNX-Index giảm 12,09 điểm (-4,83%) xuống 245,32 điểm. Chỉ số sàn UPCoM giảm ít nhất, cũng bốc hơi 2,59% về mức 83,86 điểm.
VN-Index hiện đã về mức thấp nhất kể từ ngày 9/2/2021. Cùng đó, mức giảm hơn 4% là biến động hiếm khi xảy ra đối với chỉ số chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, cũng đưa Việt Nam trở thành sàn chứng khoán châu Á giao dịch tệ nhất trong phiên đầu tháng 10/2022.
VN-Index bất ngời giảm hơn 4%, đưa chứng khoán Việt Nam trở thành sàn giao dịch tệ nhất châu Á phiên 3/10. |
Số lượng các mã chứng khoán giảm kịch sàn khi kết phiên tăng vọt lên 188 mã, nhiều hơn tổng số mã tăng (150 mã) hay tăng kịch biên độ (23 mã). Cùng đó, còn có 488 mã giảm và 762 mã đứng giá tham chiếu trong phiên 3/10.
Trên sàn HoSE, VN30-Index giảm 4,34%, giảm sâu hơn mức điều chỉnh của chỉ số chung. Trong khi đó, chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thậm chí còn rơi mạnh hơn, lần lượt giảm 5,1% và 4,61%.
Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm trên sàn HoSE. Cổ phiếu ông lớn Vietcombank, BIDV, Techcombank, VietinBank nằm trong Top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index. Trong đó BID, TCB và CTG đồng loạt nằm sàn. Cổ phiếu Hòa Phát cũng giảm sàn về 19.750 đồng – mức thấp nhất từ cuối năm 2020.
Trên sàn HNX, cổ phiếu ông lớn bất động sản khu công nghiệp IDC là đầu tàu kéo HNX-Index đi xuống khi giảm tới 9,46% xuống 45.000 đồng/cổ phiếu – tiến sát mức đáy một năm (42.000 đồng) và cũng xóa sổ toàn bộ nỗ lực phục hồi từ cuối tháng 6. PVI, PVS và SHS cũng giảm quanh 8% và là các đầu tàu kéo chỉ số chung đi xuống.
Thị trường ghi nhận một số cổ phiếu ngược dòng giao dịch tích cực như VIC tăng nhẹ 0,91% sau tuần rơi sâu hơn 12% liền trước. Cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 tăng 3,48% hay PDN của Cảng Đồng Nai tăng trần 7%. Tuy nhiên, đây chỉ là vài điểm sáng le lói trong phiên.
Trên sàn UPCoM, ACV là trụ cột gồng gánh đà rơi của thị trường. Với đà suy giảm kéo dài của đồng yên Nhật, quy mô nợ vay của Cảng Hàng không Việt Nam đang “teo” đi đáng kể nhờ diễn biến tỷ giá thuận lợi. Tỷ giá JPY/VND tiếp tục giảm 3,1%, sau khi đã rơi 13,7% trong nửa đầu năm và mang về khoản lãi đột biến nghìn tỷ cho ACV do đánh giá lại giá trị khoản vay.
Khối ngoại bán ròng 544 tỷ đồng
Tương tự phiên cuối tháng 9, giao dịch phiên hôm nay tập trung vào buổi chiều. Tuy nhiên, thanh khoản đã sụt giảm đáng kể. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 13.212 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại cũng trở lại trạng thái e dè, đặc biệt ở chiều mua vào. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 544 tỷ đồng trên ba sàn. Trong đó, riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 531 tỷ đồng, khi thu về 1.440 tỷ đồng và chỉ giải ngân vỏn vẹn 909,5 tỷ đồng. Phiên giao dịch cuối tháng 9, khối ngoại mua vào 1.950 tỷ đồng và bán ra 1.441 tỷ đồng trên sàn HoSE.
HPG là cổ phiếu bị khối ngoại thoái vốn nhiều nhất với giá trị bán ròng 178 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác cũng nằm trong top cổ phiếu bị bán ròng là STB (60,5 tỷ đồng), DGC (46 tỷ đồng), CTG (43 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua nhiều nhất cổ phiếu VIC. Dù giá trị mua ròng chưa đến 28 tỷ đồng nhưng đây cũng là một trong các động lực kéo VIC hồi phục sau tuần rơi sâu liền trước.
Để lại một phản hồi