Thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp áp lực giảm điểm mạnh cả về thanh khoản và điểm số trong thời gian qua. Kể từ đầu tháng 9, VN-Index đã mất 19%, tổng cộng mất hơn 30% kể từ đầu năm và đang trên đà kiểm định lại mốc hỗ trợ 1.000 điểm. Xét về mặt định giá, thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn so với lịch sử và nhiều cơ hội đầu tư dài hạn được mở ra. Tuy nhiên giai đoạn này nhiều yếu tố vĩ mô bất định đang diễn ra đẩy rủi ro thị trường tăng cao.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá, lạm phát sẽ là một trong những yếu tố nhà đầu tư cần chú ý. Hiện, lạm phát đang xảy ra tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mức tăng lạm phát tại mỗi quốc gia lại khác nhau khi con số tại các nước phương Tây như Mỹ, EU tăng cao hơn so với khu vực châu Á.
Với Việt Nam, Agriseco Research đánh giá lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, mặc dù áp lực dần cao. Số liệu cho thấy Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có mức lạm phát tăng thấp trong khu vực khi CPI tháng 9 chỉ tăng 3,94% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ.
Năm 2022 này, lạm phát được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra (dưới 4%), tuy nhiên các tháng cuối năm, Agriseco cho rằng áp lực lạm phát sẽ cao chủ yếu do tác động kép từ yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn về giao thương quốc tế với giá trị thương mại bằng 200% GDP, do đó khi các yếu tố bên ngoài thay đổi sẽ tác động đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Hơn nữa, nhu cầu sản xuất hàng hóa và dịch vụ tăng do tác động của chương trình phục hồi cũng sẽ làm tăng giá cả hàng hóa.
Agriseco Research: Thống kê cho thấy lạm phát dưới 10% vẫn chưa đáng lo ngại và thị trường chứng khoán vẫn có thể tăng trưởng
Về tác động của lạm phát, nhiều nghiên cứu thế giới và Việt Nam cũng chỉ ra mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Lạm phát ở mức độ khác nhau sẽ có các tác động khác nhau đến tăng trưởng kinh tế và không phải lúc nào lạm phát cũng tác động tiêu cực đến kinh tế. Đối với các thị trường mới nổi, cận biên như Việt Nam, mức lạm phát vừa phải từ 5% – 10% sẽ khiến kinh tế tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, hoạt động thương mại tăng trưởng. Nếu lạm phát tăng quá cao sẽ có các tác động làm tăng giá nhiều mặt hàng và sẽ dẫn đến tăng lãi suất và giảm sức mua người tiêu dùng, từ đó làm suy thoái kinh tế. Thực tế giai đoạn 2008 – 2009, do tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát Việt Nam tăng cao trung bình trên 20%, lãi suất cũng trên 20% đã khiến nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, kinh tế rơi vào khó khăn.
Đặc biệt, lạm phát và thị trường chứng khoán có mối tương quan với nhau theo các mức độ khác nhau. Theo thống kê của Agriseco Research, lạm phát dưới 10% vẫn chưa đáng lo ngại và thị trường chứng khoán vẫn có thể tăng trưởng, cụ thể lạm phát từ 5 -10% sẽ mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất cho VN-Index.
Thống kê của Agriseco cho thấy, từ khi thị trường chứng khoán hoạt động bắt đầu từ năm 2000, kinh tế Việt Nam đã trải qua 81 tháng có mức CPI từ 5- 10%, trong các tháng này VN–Index tăng trưởng trung bình 2,71%/tháng, mức cao nhất so với các mức độ lạm phát khác. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu lạm phát vượt quá 10%. Khi lạm phát tăng tốc vọt lên trên vùng 2 chữ số, chứng khoán thường lao dốc rất mạnh và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Thống kê cho thấy VN-Index đã trải qua 37 tháng có mức lạm phát cao hơn 10%. Tỷ suất thị trường giai đoạn này sụt giảm tới 2,83%/tháng. Đặc biệt hơn có những tháng giảm rất mạnh trên 20%/tháng như các tháng trong giai đoạn 2008-2009.
Đâu là những nhóm cổ phiếu nên tăng tỷ trọng trong bối cảnh lạm phát được giữ ở mức vừa phải và GDP tăng trưởng cao?
Về chiến lược đầu tư, quan điểm của Agriseco Research cho rằng trong môi trường lạm phát vừa phải, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp khi tăng trưởng GDP được dự báo tiếp tục ở mức cao.
Cụ thể, một số ngành sẽ được hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa. Khi lạm phát leo thang thì giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt là các hàng hóa cơ bản. Theo Agriseco, việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là hợp lý khi việc đầu tư vào hàng hóa phái sinh vẫn chưa phù hợp với đa số nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá bán đầu ra.
Ngoài ra, trong thời kỳ lạm phát và giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận cải thiện. Mức độ hưởng lợi sẽ càng lớn đối với các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát giá bán đầu ra hoặc các mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Theo đó, các nhóm doanh nghiệp tự sản xuất và cung ứng các mặt hàng được hưởng lợi từ các sự kiện địa chính trị sẽ là các nhóm đáng lưu ý. Các nhóm doanh nghiệp này khi đã hoàn thiện được chuỗi giá trị sẽ ít chịu tác động bởi lạm phát và rất phù hợp để đầu tư trung và dài hạn.
Trong khi đó, giá dầu Brent đã liên tục tăng mạnh hơn 50% và giá khí tại khu vực châu Âu cũng đã tăng hơn 90% từ đầu năm đến nay. Agriseco Research cho rằng việc giá dầu duy trì ở vùng giá cao từ 80 – 100 USD/thùng có thể giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành dầu khí được cải thiện tốt khi hầu hết đều đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên kịch bản giá dầu khoảng 60 – 70 USD/thùng năm nay. Vì vậy, báo cáo khuyến nghị nhà đầu tư đã giải ngân cổ phiếu tiếp tục nắm giữ cổ phiếu dầu khí và theo dõi sát diễn biến địa chính trị để đưa ra những hành động phù hợp.
Mặt khác, nhóm ngành nông nghiệp, thực phẩm có đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao, do đó cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao, dẫn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành sản phẩm thay thế cho lúa mỳ hay ngô. Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chi phí.
Đồng thời, không thể không nhắc tới nhóm doanh nghiệp bảo hiểm. Trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn nhờ nhu cầu về bảo hiểm tăng lên. Bên cạnh đó, nhờ tỷ trọng các khoản tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất tăng lên. Đặc biệt, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP kỳ hạn trên 10 năm) tăng sẽ giúp chi phí trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng kí mới giảm, và qua đó giúp cải thiện lợi nhuận và gia tăng vốn chủ sở hữu.
Thêm vào đó, các ngành thiết yếu mang tính phòng thủ như Điện, Nước, Dược phẩm, Công nghệ sẽ có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là điểm đến an toàn. Nhóm Công nghệ đang là xu hướng đầu tư trong tương lai với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì các nhóm ngành còn lại đặc thù mức định giá khá hợp lý, cổ tức đều đặn hàng năm và sẽ phù hợp để tích lũy tại các nhịp giảm điểm của thị trường.
Ngược lại, Agriseco Research cũng khuyến nghị nhóm cổ phiếu có hệ số nợ cao, các doanh nghiệp chưa hoàn thiện chuỗi giá trị và có sức cạnh tranh yếu và nhóm các cổ phiếu đầu cơ nên được hạ tỷ trọng trong bối cảnh hiện tại.
Để lại một phản hồi