Chính trị gia, nhà báo độc lập người Thụy Sĩ Guy Mettan nhìn nhận Việt Nam là một “con hổ châu Á mới” trên tờ báo kinh tế số một tại vùng nói tiếng Pháp của quốc gia trung lập ở Tây Âu.
Tờ AGEFI số phát hành từ ngày 7-11/10/2022 trên chuyên mục ACTEURS (Các nhân tố nổi trội) đăng bài của nhà bình luận, nhà báo độc lập (chroniqueur, journaliste indépendant) Guy Mettan với tựa đề “Việt Nam và những con hổ châu Á mới” (Le Vietnam et les nouveaux tigres asiatiques).
Ông Guy Mettan là nghị sĩ bang Geneva từ năm 2001 đến nay và hiện không thuộc đảng chính trị nào.
Ông cũng từng là Tổng biên tập nhật báo Tribune de Genève và là người sáng lập, Chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ tại Geneva hơn 20 năm. Ông đã viết nhiều đầu sách về chính trị thế giới. Gần đây nhất là các quyển Le continent perdu: Plaidoyer pour une Europe démocratique et souveraine (Lục địa đánh mất: Lời nguyện cầu cho một châu Âu dân chủ và có chủ quyền, 2019); Le monde à deux mille mètres (Thế giới ở độ cao hai nghìn mét, 2021); La tyrannie du bien: Dictionnaire de la pensée (in)correcte (Sự chuyên chế của cái thiện: Từ điển của tư tưởng (không) phải đạo, 2022).
Bài về Việt Nam của chính trị gia, nhà báo Guy Mettan trên phiên bản điện tử tờ AGEFI. Ảnh Thục Minh |
Mở đầu bài báo, nhà bình luận thời sự thế giới Guy Mettan nhận định: “Đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraina và chiến thuật bế quan tỏa cảng của Trung Quốc đã tạo ra những diễn biến mới trên thế giới: Ấn Độ đã vượt qua Anh quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 5, và sự nổi lên của hai nền kinh tế châu Á là Việt Nam và Indonesia”.
Ông Mettan cho rằng, người ta chưa nói nhiều về hai quốc gia tương đối kín đáo là Việt Nam và Indonesia ngày nay, so với hồi đầu những năm 2000 đối với các con hổ và rồng châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông hay Malaysia. “Kỳ thực hai quốc gia này đang trỗi dậy, khẳng định vai trò địa chính trị của mình với tư cách là các quốc gia không liên kết”, nhà báo Guy Mettan viết.
Theo ông Mettan, Indonesia đã có những thay đổi tích cực kể từ khi Joko Widodo lên nắm quyền tổng thống vào năm 2014, giúp ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế khá và trong tháng 11 năm nay sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới khi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20.
“Nhưng Việt Nam có lẽ là nước đã tận dụng tốt nhất tình hình quốc tế mới và lợi thế “Trung Quốc + 1”, để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia và nhà đầu tư quốc tế kể từ khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng”, ông Mettan lập luận.
Bài báo dẫn một số minh chứng sau đây:
Trong 7 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kì năm trước và là con số cao nhất cùng kỳ trong liên tục 5 năm qua. Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng từ khoảng 2,6% năm 2021 lên 7,5% năm 2022, trong khi lạm phát năm 2022 dự kiến sẽ ở mức trung bình 3,8%, theo báo cáo hồi tháng 8 của Ngân hàng Thế giới.
Ngoài ra, theo hãng đánh giá Fitch, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và của thế giới (49,5). “Quốc gia này đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế do chính phủ và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế”, ông Mettan trích báo cáo của Fitch.
Xét độ mở của nền kinh tế, ở châu Á, Việt Nam vượt trội so với Singapore, Hồng Kông, Macau và Malaysia. Trên toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 20 trong 201 nền kinh tế.
Chưa hết, hồi tháng 7/2022, hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,5% trong năm nay, khả năng là cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một dự báo khác được khẳng định bởi các tiên đoán mới nhất từ Phòng nghiên cứu tăng trưởng của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cũng cho rằng, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong thập niên tới. Chỉ số phức tạp kinh tế từ Phòng nghiên cứu này cho thấy rằng, các quốc gia có độ phức tạp nhất thế giới vẫn tiếp tục ổn định, theo thứ tự, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc và Singapore; trong khi một số nền kinh tế đang phát triển đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là Việt Nam (xếp thứ 51).
Tương tự trên bình diện quốc tế, Việt Nam, quốc gia vừa kỷ niệm 45 năm ngày gia nhập Liên Hiệp quốc hồi tháng 9, đang khẳng định mình trong các cơ quan của Liên Hiệp quốc và ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền sau khi đã sau thành công trong vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng thận trọng trước láng giềng Trung Quốc hùng mạnh vốn đang cạnh tranh trên Biển Đông.
Sự khéo léo duy trì quan hệ cân bằng này có thể đem lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam, chính trị gia Guy Mettan nhận định.
Để lại một phản hồi