Dow Jones đóng phiên với mức tăng 417,06 điểm, tương đương 1,3% lên 31.499,62 điểm. S&P 500 tăng khoảng 1,2% và đóng cửa ở mức 3.797,34 điểm. Nasdaq cũng tăng gần 0,9% lên 10.952,61 điểm.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư dồn nhiều sự chú ý vào kết quả kinh doanh của các Big Tech. Theo kế hoạch, số liệu của Alphabet và Microsoft sẽ được công bố trong hôm nay, 25/10 còn kết quả của Apple và Amazon sẽ được công bố vào 27/10.
Terry Sandven của U.S. Bank nói rằng kết quả của doanh nghiệp tác động nhiều tới đà hứng phấn trên thị trường. Những dữ liệu về lạm phát và lãi suất cũng tạo ra tác động nhưng ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cũng chỉ bám vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. “Mọi thứ đều do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quyết định. Theo quan điểm của chúng tôi, những con số đang bằng hoặc thấp hơn so với kỳ vọng”, Sandven nói.
Bên cạnh sự hứng khởi của thị trường, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng trong phiên 24/10. Kết thúc phiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm được giao dịch ở mức 4,25%. Lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 5 điểm cơ bản lên 4,52%.
Sau một tuần đầy biến động với tất cả các chỉ số chính đều tăng mạnh, chứng khoán Mỹ tiếp tục bước sang tuần mới với khởi đầu thuận lợi. Cú tăng ngày hôm qua nối dài đà tăng mà nổi bật nhất là hôm 21/10, khi Dow Jones tăng hơn 700 điểm còn S&P 500 và Nasdaq đều tăng khoảng 2,3%. Bên cạnh thông tin về kết quả kinh doanh cao hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, báo cáo cho thấy một số quan chức FED lo ngại việc tăng lãi suất quá mức cần thiết cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của thị trường.
Kelsey Mowrey, chủ tịch của Motley Fool Asset Management, cho biết: “Điều đặc biệt của tuần này là chúng ta có khởi đầu ở một mức cao. Tôi nghĩ rằng dữ liệu việc làm mạnh mẽ đã mang lại cho FED niềm tin mà họ cần để tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, thông tin hôm thứ 6 đã thực sự làm rung chuyển thị trường theo hướng tích cực hơn”.
Trong khi đó, GDP quý III dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái, chính thức tạm dừng những tranh luận xung quanh liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp như nhà ở rõ ràng vẫn đang trong giai đoạn suy thoái lớn, giống như những gì đã xảy ra với thị trường chứng khoán.
Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab, cho biết thị trường trong năm ngoái đã báo trước những gì đang xảy ra trong nền kinh tế năm nay. Điều đó có nghĩa là định giá trên thị trường giống như nền kinh tế đã hoàn toàn rơi vào suy thoái nhưng không ai biết lạm phát và lãi suất cao có thể khiến các tài sản tiếp tục thủng đáy hay không.
Lạm phát hiện là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các doanh nghiệp trong các cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý với cổ đông. Họ đồng thuận rằng lạm phát gây ra tổn hại tới hoạt động của họ. Tuy nhiên, họ có quan điểm khác nhau về thời điểm lạm phát chấm dứt. Một số người nói rằng lạm phát đã qua nhưng số khác lại cho rằng phải tới nửa cuối năm 2023 mới có thể chế ngự được lạm phát.
Tham khảo: CNBC
Để lại một phản hồi