Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP |
Nga đã tìm cách gia tăng áp lực lên các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên khi họ yêu cầu các nước “không thân thiện” thanh toán giao dịch mua khí đốt bằng đồng rúp từ ngày 1/4 hoặc nếu không sẽ cắt nguồn cung.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là các nhà lãnh đạo của Đức và Italia dường như không hề bối rối trước những lời lẽ đanh thép trên của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bởi, họ tin rằng khách hàng châu Âu sẽ không bị ràng buộc bởi cơ chế mới của Điện Kremlin và thay vào đó, họ có thể tiếp tục thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng euro hoặc đô la Mỹ.
Theo đài CNBC, Tổng thống Putin hôm 31/3 đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt của Nga ở nước ngoài phải thanh toán bằng đồng rúp kể từ ngày 1/4 bằng cách mở tài khoản ngân hàng Nga hoặc hủy hợp đồng giao hàng.
Tổng thống Putin đã nhiều lần yêu cầu các quốc gia mà phía Nga gọi là “không thân thiện” chuyển hình thức thanh toán khi mua khí đốt của Moscow, với mục đính nhắm vào các bên đứng sau những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay để cô lập Nga.
“Hôm nay tôi đã ký một sắc lệnh thiết lập các quy tắc kinh doanh khí đốt tự nhiên của Nga với các quốc gia được gọi là ‘không thân thiện’. Chúng tôi đưa ra cho các đối tác từ những quốc gia như vậy một kế hoạch rõ ràng và minh bạch; để mua khí đốt tự nhiên của Nga, họ phải mở tài khoản bằng đồng rúp tại các ngân hàng Nga”, Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình.
“Nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi việc người mua không thực hiện nghĩa vụ của mình với các bước tiếp theo”, ông Putin nói. Tổng thống Nga cho biết thêm, các hợp đồng hiện tại sẽ phải dừng lại nếu các điều khoản này không được đáp ứng từ ngày 1/4.
Đức, quốc gia tiêu thụ khí đốt Nga nhiều nhất châu Âu, cho biết sắc lệnh của ông Putin là “hăm dọa chính trị”, trong khi Mỹ đánh giá động thái này cho thấy sự “tuyệt vọng” về tài chính của Điện Kremlin.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Putin không áp dụng đối với hai quốc gia này.
Theo Reuters, hãng khí đốt khổng lồ Gazprom do nhà nước Nga kiểm soát hôm 1/4 cho biết họ đang tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine theo yêu cầu của khách hàng.
Trong một thông cáo về cuộc điện đàm hôm giữa Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Putin hôm 30/3, chính phủ Đức cho biết Tổng thống Nga đã thông báo với Thủ tướng Scholz rằng việc cung cấp khí đốt sẽ phải được thanh toán bằng đồng rúp kể từ ngày 1/4.
“Đồng thời, [ông Putin] nhấn mạnh trong cuộc điện đàm rằng sẽ không có gì thay đổi đối với các đối tác hợp đồng châu Âu”, thông cáo của chính phủ Đức nêu.
Các khoản thanh toán sẽ tiếp tục được thực hiện “độc quyền” bằng đồng rúp như thường lệ cho ngân hàng Nga Gazprombank (ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây). Gazprombank sau đó sẽ chuyển số tiền đó thành euro, phía Đức cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz không đồng tình với quy trình trên, đồng thời tái khẳng định lập trường rằng Đức sẽ tiếp tục thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc đô la Mỹ theo các hợp đồng hiện có.
“Chúng tôi đã xem xét các hợp đồng khí đốt và giao nhận hàng khác và… đã thông báo tiến hành thanh toán bằng đồng euro, đôi khi bằng đô la Mỹ nhưng thường bằng euro. Và tôi đã nói với Tổng thống Nga rằng mọi chuyện sẽ tiếp tục như vậy”, Thủ tướng Scholz nói với các phóng viên ở Berlin.
Đức, cùng với nhóm các nước G7, đã phát đi tín hiệu rằng không thể đơn phương sửa đổi các thỏa thuận cung cấp khí đốt và các khách hàng mua khí đốt của Nga ở châu Âu nói rằng Điện Kremlin không có quyền “vẽ” lại các hợp đồng dài hạn.
Giới phân tích năng lượng tin rằng không có khả năng cho việc Gazprom vi phạm các hợp đồng hiện tại của họ và từ chối cung cấp khí đốt cho các khách hàng không thanh toán bằng đồng rúp trong ngắn hạn.
Khoảng 40% khí đốt Liên minh châu Âu (EU) tiêu thụ được nhập khẩu thông qua hệ thống đường ống của Nga, một số đường ống này chạy qua Ukraine.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng từ Nga đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi Điện Kremlin tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2, trong khi các nước quốc gia khác hàng ngày vẫn tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Theo đài CNBC, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đóng góp tới 43% ngân sách liên bang của Nga trong giai đoạn 2011 – 2020.
Để lại một phản hồi