Sheikha Al Mayassa mới ngoài 20 tuổi khi được bố là Hamad bin Khalifa Al Thani, cựu vương Qatar, giao nhiệm vụ thành lập một bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo.
Tốt nghiệp chuyên ngành văn học và khoa học chính trị Đại học Duke, Mỹ, thông thạo tiếng Arab, tiếng Pháp và tiếng Anh, Công chúa Sheikha Al Mayassa chịu trách nhiệm giám sát việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của bảo tàng.
Giờ đây, Công chúa 39 tuổi, em gái của Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani, đã trở thành chủ tịch Cơ quan Nghệ thuật Qatar, người quản lý bộ sưu tập khoảng 800 tác phẩm từ khi bảo tàng mở cửa năm 2008.
Sheikha Al Mayassa chi rất nhiều tiền cho nghệ thuật, với ngân sách mỗi năm khoảng một tỷ USD để mua sắm các tác phẩm để trưng bày trong bảo tàng. Cô tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật đương đại và hiện đại của phương Tây, vì cho rằng điều quan trọng với các nghệ sĩ trẻ Qatar là phải nhìn thấy những gì đang diễn ra trên đỉnh cao giới nghệ thuật.
Hoàng gia Qatar từng mạnh tay chi 250 triệu USD mua lại tranh sơn dầu Những người chơi bài của danh họa người Pháp Paul Cézanne năm 2012, phá vỡ kỷ lục mức giá cao nhất từng được trả cho một tác phẩm nghệ thuật khi đó.
Bảo tàng Qatar cũng là bên mua tranh của Paul Gauguin trong buổi đấu giá năm 2015 do Rudolf Staechelin, cựu giám đốc nhà đấu giá Sotheby, tổ chức. Todd Levin, cố vấn nghệ thuật ở New York, cho hay “giá của bức tranh vào thời điểm đó là gần 300 triệu USD”.
Một số thương vụ đáng chú ý khác của hoàng gia Qatar là bức họa Vàng, Hồng và Lavender của họa sĩ người Mỹ Mark Rothko với giá 72,8 triệu USD năm 2007; Những người trong đời cô ấy, bức họa đen trắng do họa sĩ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng người Mỹ Andy Warhol vẽ năm 1962 lấy cảm hứng từ cuộc đời nữ minh tinh Elizabeth Taylor, mua từ nhà đấu giá Phillips ở New York năm 2010 với giá 63,4 triệu USD.
Với những vụ mua tranh nổi tiếng này, Sheikha Al Mayassa đã được Forbes gọi là “bà hoàng của giới nghệ thuật”.
Vài tháng trước khi Qatar đăng cai World Cup 2022, Sheikha Al Mayassa tổ chức hàng loạt cuộc triển lãm, sắp đặt nghệ thuật công cộng và khai trương bảo tàng mới, để chào đón người hâm mộ và giúp họ hiểu hơn về thế giới Arab cũng như Qatar.
“World Cup là sự kiện mà Qatar và thế giới Arab vô cùng trông đợi”, bà nói. “Vẻ đẹp của Qatar nằm ở diện tích nhỏ. Mọi người tới đây xem World Cup đều có thể tham quan tất cả triển lãm của chúng tôi”.
Là một quốc gia Hồi giáo, Qatar muốn “thế giới đón nhận, tôn trọng nền văn hóa của chúng tôi”, bà nói. “Chúng tôi đang cố gắng thể hiện sự đa dạng của thế giới Arab, nhưng cũng muốn mọi người trải nghiệm Qatar thực sự như thế nào”.
Hồng Hạnh (Theo Forbes/Financial Times)
Để lại một phản hồi