Nhận diện các thách thức khi làm đường Vành đai 3, TP.HCM

Đây là vấn đề được các chuyên gia nhận diện và chỉ ra tại hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 – Động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam” do báo Tuổi trẻ và Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/12, tại TP.HCM.

Các chuyên gia tham gia hội thảo chỉ ra thách thức khi làm đường Vành đai 3, TP.HCM
Các chuyên gia tham gia hội thảo chỉ ra các thách thức khi làm đường Vành đai 3, TP.HCM

Chỉ ra những thách thức lớn nhất khi làm đường Vành đai 3, TP.HCM, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, vấn đề lớn nhất lúc này là làm thế nào để Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.

Trước hết muốn hoàn thành đúng tiến độ thì phải giải phóng được mặt bằng, đây là vấn đề quan trọng nhất. Mặc dù, Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép “người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu… các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Tuy nhiên, chỉ định thầu cho ai thì mức giá đền bù, hỗ trợ tái định cư cần giải quyết những bất cập còn tồn tại.

Ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận bất cập hiện nay là đất nông nghiệp, đất rừng được đền bù thấp hơn rất nhiều so với đất thổ cư. Với mức đề bù như vậy, người dân sẽ rất thiệt thòi.

Hơn nữa, việc xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất là không hợp lý. Ví dụ như đất xung quanh Hồ Tây của Hà Nội cho dù là đất nông nghiệp nhưng ở vị trí đó thì đề bù với giá đất nông nghiệp thì không một người dân nào chấp nhận.

Vì vậy, ông Dũng đề xuất nên căn cứ vào vị trí đất để xác định giá đền bù cho dân, làm như vậy thì người dân đồng tình cao hơn.

Một vấn đề nữa được chỉ ra là nên tái định cư tại chỗ cho người dân, nếu không vì những lý do bất khả kháng thì các địa phương điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM.

Cũng chỉ ra những thách thức khi làm Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, khi triển khai đường Vành đai 3, TP.HCM có nhiều thuận lợi, các vấn đề về vốn, cơ chế chính sách không còn là vấn đề trở ngại.

Theo ông Thành, thách thức lớn nhất tại thời điểm này là vai trò lãnh đạo của người đứng đầu 4 địa phương nơi có Dự án đường Vành đai 3 đi qua.

Sơ đồ toàn cảnh đường Vành đai 3, TP.HCM
Sơ đồ toàn cảnh đường Vành đai 3, TP.HCM

“Tôi cho rằng KPI quan trọng nhất của lãnh đạo các tỉnh trong vùng ở nhiệm kỳ này, đó là không phải tăng trưởng GDP sẽ được bao nhiêu, kim ngạch xuất khẩu bao nhiêu mà trong nhiệm kỳ này có làm được đường Vành đai 3 hay không. Làm được hay không là người dân và doanh nghiệp sẽ quan sát được. Cuối năm 2025, đầu năm 2026, có thể nhìn thấy đường Vành đai 3 đạt được. Nếu không đạt được là không còn lý do nào nữa, ngoài năng lực lãnh đạo” ông Thành thẳng thắn chỉ ra thách thức.

Một thách thức nữa là việc làm đường Vành đai 3 làm sao gắn với phát triển đô thị. Trong đó phải ưu tiên lợi ích giao thông sau đó mới đến lợi ích bất động sản.

Như vậy, một con đường giao thông phải thông thoáng, giảm được chi phí thời gian của người đi đường, giảm chi phí vận hành của phương thiện giao thông.

Nếu như đường Vành đai 3, TP.HCM trong thực thi triển khai đến khi hình thành một con đường mà vẫn hình thành kiểu đô thị truyền thống, đường đi đến đâu nhà sát mặt tiền mọc lên để tận dụng khai thác kinh doanh thì lợi ích giao thông của đường Vành đai 3, TP.HCM sẽ không còn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*