Châu Âu khó xử giữa tranh cãi khí cầu Mỹ – Trung

“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ năm 2023 sẽ dễ dàng, nhưng đây là khởi đầu thực sự khó khăn”, một nhà ngoại giao châu Âu cho hay, đề cập đến cuộc đối đầu mới giữa Washington và Bắc Kinh liên quan tới “khí cầu do thám” Trung Quốc.

Căng thẳng gia tăng sau khi Mỹ thông báo phát hiện một “khí cầu do thám” Trung Quốc xâm nhập không phận từ ngày 28/1. Trung Quốc thừa nhận khí cầu này là của mình, nhưng cho hay đó là thiết bị dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng “bay lạc” vào lãnh thổ Mỹ.

Mỹ không chấp nhận cách giải thích của Trung Quốc và quyết định bắn hạ khí cầu ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4/2. Hành động này lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt của Trung Quốc, khi nước này cáo buộc Washington “phản ứng thái quá” và tuyên bố “bảo lưu quyền đáp trả”.

Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Mỹ, hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Mỹ, hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng song phương cũng tăng nhiệt khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken quyết định hoãn vô thời hạn chuyến thăm Bắc Kinh được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này. Chuyến thăm của ông Blinken từng rất được kỳ vọng, bởi đó sẽ là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc làm tan băng quan hệ sau thời gian dài đình trệ mọi tương tác cấp cao.

Theo giới quan sát, tranh cãi Mỹ – Trung liên quan đến sự cố khí cầu này còn tác động tới bên kia bờ Đại Tây Dương, khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải chịu áp lực ngày càng lớn từ Nhà Trắng yêu cầu họ phải chọn bên và hợp lực chống lại Trung Quốc.

“Khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn, châu Âu, vốn có nhiều quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, sẽ phải chịu sức ép lớn hơn khi cân nhắc xem họ nên đứng về bên nào”, Ricardo Borges de Castro, chuyên gia cấp cao từ Trung tâm Chính sách châu Âu, trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận xét.

“Khi thế giới ngày càng bị chi phối bởi hai cực Mỹ – Trung, châu Âu sẽ phải chọn bên chừng nào an ninh – quốc phòng của họ còn phụ thuộc vào chiếc ô bảo về từ Mỹ”.

Tranh cãi Mỹ – Trung về khí cầu nổ ra giữa những lo ngại rằng Nga có thể đang dồn quân để chuẩn bị tiến hành chiến dịch tấn công lớn ở Ukraine trong vài tuần tới. Theo các nhà ngoại giao EU, sự cố khí cầu có thể khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden bị phân tâm, vào thời điểm Kiev cần hỗ trợ từ Washington nhất.

“Washington trong thời gian tới sẽ rất bận rộn ứng phó với Bắc Kinh”, một nhà ngoại giao cấp cao EU nói hôm 5/2. “Đó không phải tin tốt cho EU, bởi Nga vẫn là mối quan tâm chính của châu Âu”.

Châu Âu càng khó xử hơn bởi sự cố khí cầu xảy ra vào thời điểm EU đang chuẩn bị cho nỗ lực tái hợp tác với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần mở cửa sau gần ba năm đóng biên giới chống Covid-19.

Cao ủy EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell được cho là đang lên kế hoạch tới thăm Trung Quốc vào tháng 4, khi ông dự kiến đến Nhật Bản để dự hội nghị bộ trưởng G7.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thông báo ý định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu năm nay. Ông đang cân nhắc mời một quan chức hàng đầu từ Ủy ban châu Âu (EC) tham gia cùng mình, theo các nguồn thạo tin.

Căng thẳng mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh sẽ buộc châu Âu phải “dừng lại để xem Trung Quốc phản ứng quyết liệt ra sao và liệu những chuyến thăm này có bị nhìn nhận như thành công về mặt tuyên truyền của Bắc Kinh trong nỗ lực chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hay không”, một quan chức EU giấu tên bình luận.

Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ

Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ

Khoảnh khắc khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bang Nam Carolina, Mỹ, ngày 4/2. Video: Twitter/Clash Report.

“Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, châu Âu và Mỹ dần bớt quan tâm hơn đến chính sách ứng phó Trung Quốc”, Reinhard Butikofer, người đứng đầu phái đoàn của Nghị viện châu Âu về quan hệ với Trung Quốc, nhận xét. “Washington đang gia tăng áp lực chống lại Bắc Kinh, đặc biệt trên mặt trận công nghệ và vấn đề Đài Loan, nhưng Brussels, Berlin và Paris lại thể hiện thái độ do dự”.

Điều khiến tình hình thêm phức tạp là việc Chủ tịch Tập Cận Bình dường như không quan tâm đến những lời kêu gọi của phương Tây trong việc gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc thậm chí còn đang nổi lên như một bên cung cấp các thiết bị lưỡng dụng cho Nga. Đây là những thiết bị sử dụng cho mục đích dân sự, nhưng có thể được hoán cải để phục vụ chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Bắc Kinh chưa bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không hỗ trợ quân sự cho Moskva.

Châu Âu đến nay vẫn phản ứng khá dè dặt với tranh cãi khí cầu Mỹ – Trung. EU chỉ tuyên bố ghi nhận quyền của Mỹ trong nỗ lực bảo vệ không phận.

“Bảo vệ không phận là vấn đề an ninh quốc gia, do đó thuộc thẩm quyền, trách nhiệm và đặc quyền của một hoặc nhiều nước liên quan”, người phát ngôn EU hôm 5/2 cho hay.

Rất ít quốc gia châu Âu công khai ủng hộ Mỹ trong quyết định bắn hạ khí cầu Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy họ thực sự không muốn “chọc giận” Bắc Kinh, chuyên gia đánh giá.

Một trường hợp ngoại lệ là Estonia. Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu cuối tuần qua dẫn lại bản tin của BBC về việc Mỹ bắn rơi khí cầu Trung Quốc, khẳng định ông “ủng hộ cách Mỹ hành động để bảo vệ chủ quyền”.

“Tôi hoàn toàn lên án những hành động khiêu khích gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ”, ông nói.

Đức hôm 6/2 bày tỏ lo ngại về tranh cãi khí cầu giữa Washington và Bắc Kinh, song không thể hiện ủng hộ bên nào.

“Chúng tôi hy vọng sự việc sẽ không căng thẳng hơn nữa hoặc dẫn đến leo thang trong mối quan hệ Mỹ – Trung”, phó phát ngôn viên chính phủ Đức Wolfgang Buchner nói trong họp báo ở Berlin.

Vũ Hoàng (Theo Politico, Anadolu Agency)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*