Điện mặt trời mái nhà của TP.HCM chỉ mới đạt hơn 355 MWp, chưa tới 1/10 tiềm năng, gây nên phí hoài ngàn tỷ đồng |
“Chết tức tưởi” và mỏi mòn chờ
Vừa được giới thiệu kết nối nhau trên Zalo, tôi sửng sốt khi K.T (xin giấu tên, nguyên giám đốc một doanh nghiệp điện mặt trời ở TP.HCM) thẳng thừng nhờ: “Anh làm báo, quan hệ rộng, anh cần hoặc xem có ai cần thì giới thiệu em. Công ty em giờ còn 16 tấm pin năng lượng mặt trời bán rẻ dạng thanh lý, khó khăn quá rồi!”.
K.T vốn là Việt kiều châu Âu, sống ở nước ngoài từ nhỏ, tiếng Việt chưa sõi lắm. Sau khi Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, với khả năng của một kỹ sư điện được đào tạo ở nước ngoài, am hiểu điện mặt trời ở các nước tiên tiến, K.T quay về quê hương mở công ty nhập pin điện mặt trời về bán và cung cấp các giải pháp kỹ thuật, lắp đặt pin điện mặt trời áp mái nối lưới điện quốc gia cho nhà xưởng các doanh nghiệp và hộ gia đình tại TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung.
Bạn tôi, người giới thiệu tôi với K.T cũng lắp pin này trên mái nhà từ 4 năm trước, hầu như không còn tốn đồng tiền điện nào, lại còn được thêm tiền từ việc bán điện mặt trời nhờ hòa lưới trước khi bị dừng.
K.T kể, giờ phải bán thanh lý pin năng lượng mặt trời, bởi tới năm 2020, ngành điện không còn ký hợp đồng mới mua điện mặt trời áp mái của hộ gia đình. Công ty của K.T phá sản, nhiều công nhân và cả chuyên gia nước ngoài phải rời đi. Đáng nói, đây chỉ là một trong hàng trăm doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đều tức tưởi bởi cùng lý do, trong đó không ít doanh nghiệp vẫn cố “sống qua ngày” để chờ cơ chế mới.
– Ông Nguyễn Thượng Quân, Tổng giám đốc Công ty Sao Nam
Tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Thượng Quân, Tổng giám đốc Công ty Sao Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất điện mặt trời) bức xúc cho biết, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời từ năm 2016 với chính sách hòa vào mạng lưới quốc gia và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua theo giá FIT 2 trong vòng 20 năm đã khiến nhiều doanh nghiệp và người dân đua nhau đầu tư. Tuy nhiên, chính sách này hết hiệu lực vào năm 2020, tức là quá ngắn và thiếu tính kế thừa, dẫn tới việc tạm dừng đấu nối diễn ra hơn 2 năm qua, khiến doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình hoang mang.
“Bao giờ, bao giờ thay đổi?” là câu hỏi đến “mỏi mòn” của nhiều doanh nghiệp gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, đến mức bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, khi chính sách với điện mặt trời không còn, người dân vùng nông thôn thắc mắc rất nhiều ở các buổi tiếp xúc cử tri, bà phải đề nghị Tổng công ty Điện lực TP.HCM góp ý làm sao “kêu thấu để Trung ương có chủ trương hợp lý hơn”.
Truyền tải “dư sức”, nhưng mái nhà ngàn tỷ chỉ để… che nắng
Theo đề xuất mới đây của Sở Công thương TP.HCM (liên quan Đề án Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM năm 2030), thì Thành phố có lợi thế là có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 đến 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc.
Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp, được xác định cho 4 nhóm đối tượng: nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%.
Thế nhưng, theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính đến hết năm 2022, Thành phố mới có 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện.
Trong khi đó, năm 2022, lượng điện tiêu thụ của Thành phố đạt hơn 27 tỷ kWh, tăng 11,03% so với năm 2021 (hơn 25 tỷ kWh). Nguồn điện cấp cho TP.HCM chủ yếu từ bên ngoài như Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ; Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, 2; Thủy điện Trị An; Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; Trung tâm Điện lực Duyên hải.
Vì vậy, theo Sở Công thương TP.HCM, phát triển được nguồn phát điện tại chỗ để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại Thành phố là cực kỳ hiệu quả và việc dùng nguồn điện từ năng lượng mặt trời mái nhà là giải pháp tối ưu nhất. Với người dân và doanh nghiệp, điều này không chỉ giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao (giá của các bậc 4, 5, 6), mà lại còn tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện dư, không sử dụng cho EVN.
Điện mặt trời mái nhà lại không tốn diện tích đất khi lắp đặt, chống nóng hiệu quả cho công trình. Nguồn năng lượng này có thể huy động dễ dàng nguồn vốn đầu tư từ nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, thực hiện lắp đặt đơn giản, nhanh chóng. Các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ góp phần tăng độ dự phòng hệ thống điện, tăng ổn định hệ thống điện khu vực Thành phố.
Mặt khác, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời mang ý nghĩa về xã hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà; đồng thời góp phần vào xu hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của Thành phố; phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ.
Đáng lưu ý hơn, nếu nhiều khu vực e ngại việc đưa điện mặt trời lên hệ thống truyền tải điện gây quá tải hệ thống, thì Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Huỳnh Kim Ngọc khẳng định: “Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, hệ thống lưới điện của Thành phố đảm bảo giải tỏa hết công suất đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn. Chỉ cần đấu nối vào hệ thống lưới phân phối đã có sẵn của ngành điện mà không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất như đối với hệ thống điện mặt trời trên mặt đất”.
Với sản lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới năm 2021 đạt gần 300 triệu kWh, người dân và doanh nghiệp TP.HCM thu về khoảng 600 tỷ đồng. Thế nên, việc điện mặt trời mái nhà ở TP.HCM tới nay mới đạt chưa tới 1/10 công suất (355 MWp/5091 MWp) đồng nghĩa hàng ngàn tỷ đồng đang hoài phí.
Cần cơ chế đặc thù để gỡ vướng
Theo Sở Công thương TP.HCM, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà ở TP.HCM hiện nay là giá bán theo cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực, nên chưa khuyến khích nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia. Việc đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện nay chưa triển khai được bởi hàng loạt bộ, ngành liên quan đều yêu cầu phải chờ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện.
Trong đó, đối với việc sử dụng mái nhà của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp (tài sản công) để khai thác hệ thống điện mặt trời, Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, không thể thí điểm lắp bởi Bộ Tài chính có ý kiến phải tuân theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Trong khi đó, Luật này không quy định việc sử dụng mái nhà để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
– Tổng khối lượng đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà toàn Thành phố giai đoạn đến năm 2025 dự kiến phát triển khoảng 250 MWp/năm và giai đoạn 2026-2030 phát triển bình quân 300 MWp/năm. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 12.992 tỷ đồng.
– Giai đoạn 2026-2030, TP.HCM sẽ lắp đặt được khoảng 1.505 MWp, đạt 29,62% tổng tiềm năng điện mặt trời mái nhà, đáp ứng 13,60% nhu cầu công suất và 4,29% nhu cầu tiêu thụ điện năng toàn Thành phố. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 26.012 tỷ đồng.
Nguồn: Đề án Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM năm 2030
Vì vậy, nếu TP.HCM muốn đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà giai đoạn đến năm 2025 dự kiến phát triển khoảng 250MWp/năm và giai đoạn 2026-2030 phát triển đạt bình quân 300 MWp/năm, Sở Công thương cho rằng, UBND Thành phố cần đề nghị Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù phát triển điện mặt trời mái nhà.
Đó là chấp thuận chủ trương cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT, cơ chế thực hiện đầu tư điện mặt trời mái nhà được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; chấp thuận cơ chế đặc thù cho phép Thành phố sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.
Để lại một phản hồi