“Tất cả đã bị thiêu rụi”, Tổng thống Volodymyr Zelensky thốt lên hồi tháng 12 năm ngoái, trong chuyến thăm tới Bakhmut, thành phố phía đông nam giờ đây đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến Nga – Ukraine.
Giao tranh tại Bakhmut đã trở thành trận chiến đẫm máu và kéo dài nhất trong cuộc xung đột. Chiến sự trở nên khốc liệt hơn từ tháng 8/2022, khi hai bên dồn lực lượng tới thành phố và hàng trăm người ở cả hai chiến tuyến thiệt mạng mỗi ngày trong những trận giao tranh đẫm máu.
Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Wagner, công ty an ninh tư nhân Nga đang đảm nhận mũi chủ công ở Bakhmut, ngày 3/3 thông báo các tay súng dưới quyền đã “bao vây Bakhmut trên thực tế”, chỉ chừa lại một tuyến đường cho lực lượng Ukraine rút lui.
Giới chức và chỉ huy quân đội Ukraine cũng thừa nhận tình hình quanh Bakhmut “cực kỳ căng thẳng”. Nga đang tiếp tục nỗ lực tấn công vào Bakhmut và Kiev đã đẩy lùi gần 100 đợt xung kích chỉ trong ngày 5/3, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết.
Alexander Rodnyansky, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cuối tháng trước nói rằng quân đội Ukraine sẽ cân nhắc tất cả lựa chọn, trong đó có “rút lui chiến lược” khỏi Bakhmut để tránh tổn thất vô ích.
Nếu Ukraine quyết định rút quân khỏi Bakhmut và thành phố thất thủ, quyết định này sẽ không phải là một thảm họa với nỗ lực kháng cự của Kiev, các chuyên gia đánh giá.
Theo Nikolay Mitrokhin, nhà sử học tại Đại học Bremen, Đức, thành phố này vẫn quan trọng với vai trò là trung tâm tuyến phòng thủ thứ hai của lực lượng Ukraine ở Donbass.
“Nhưng sau khi Ukraine mất Soledar và các ngôi làng xung quanh Bakhmut, tầm quan trọng của nó đã giảm đi đáng kể”, ông nói. “Vì vậy, Bakhmut thất thủ không phải một tổn thất đáng kể”.
Mick Ryan, tướng quân đội Australia về hưu, đánh giá các chỉ huy Ukraine sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng về thời điểm rút quân khỏi Bakhmut. Nếu đưa ra quyết định, họ sẽ tiến hành nó một cách trật tự, nhằm giảm thiểu tổn thất. “Nó nên được coi là một bước lùi chiến thuật thông thường, hơn là điềm báo về thảm họa”, ông lưu ý.
Dù vậy, chiếm được Bakhmut sẽ giúp lực lượng Nga có một “đột phá khẩu” quan trọng để áp sát tuyến phòng thủ thứ ba của Ukraine, vùng đô thị Toretsk trải dài gần 100 km ở phía tây Bakhmut, Mitrokhin cho biết thêm.
Với tốc độ tiến quân hiện tại của Nga cũng như khả năng kháng cự của quân đội Ukraine, lực lượng Nga sẽ bao vây Chasiv Yar chỉ trong vài tuần tới, ông dự đoán. Nhưng họ sẽ khó tiếp cận vùng ngoại ô Konstantinovka và Kramatorsk, hai thành phố chiến lược chỉ cách Bakhmut 27-55 km về phía tây trước giữa tháng 5.
“Nga có thể mất một năm hoặc hơn để công phá phòng tuyến thứ ba của Ukraine” dọc giới tuyến Donetsk và Lugansk, trong đó có hàng trăm địa điểm được củng cố phòng thủ chắc chắn, cùng một mê cung các chiến hào và hầm trú ẩn, Mitrokhin lưu ý.
Giới lãnh đạo quân sự phương Tây cũng cho rằng việc Ukraine rút quân khỏi Bakhmut sẽ không khiến cục diện chiến sự thay đổi quá nhiều.
“Tôi nghĩ Bakhmut mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là giá trị chiến lược”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói. “Việc Bakhmut thất thủ không nhất thiết đồng nghĩa rằng Nga đã thay đổi được cục diện cuộc chiến”.
Mặt khác, tranh cãi nội bộ cùng tính toán sai lầm cũng có thể cản bước tiến của Nga. Kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng hai năm ngoái, Điện Kremlin vẫn dựa vào chiến thuật “tiền pháo hậu xung” truyền thống, trong đó sử dụng hỏa lực pháo binh ồ ạt để dọn đường, phá hủy hầu hết mọi thứ trên đường tiến quân của bộ binh.
Để thực hiện chiến thuật này, pháo binh Nga sẽ phải khai hỏa với tần suất rất lớn. Phương Tây ước tính Nga đang bắn 50.000-60.000 quả đạn pháo mỗi ngày để chế áp các ổ đề kháng của Ukraine. Điều này có thể khiến Nga sớm rơi vào “cơn khát đạn dược”, theo các nhà quan sát.
Lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin không ít lần giận dữ phàn nàn về tình trạng thiếu đạn, cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga cố tình phớt lờ yêu cầu cung cấp thêm đạn cho các tay súng Wagner.
Prigozhin nói thêm rằng các lãnh đạo quân đội Nga còn né tránh đề nghị của ông về việc cho phép quân tình nguyện và lính mới huy động tham gia Wagner nhằm bù đắp thiệt hại về quân số.
Một cựu lãnh đạo phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donetsk đã lên tiếng chỉ trích Prigozhin. “Điều tối cần thiết là phải rút Prigozhin khỏi tiền tuyến và cấm hoàn toàn ông ta lãnh đạo Wagner”, Igor Girkin, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) từng tham gia lực lượng dân quân miền đông Ukraine, viết trên Telegram hôm 5/3.
Girkin cáo buộc Prigozhin có “động cơ chính trị” và “truyền bá thói hư tật xấu của lính đánh thuê vào quân đội” khi đưa các tay súng Wagner tham chiến ở Ukraine. Prigozhin đáp trả bằng cách gọi Girkin là “phế thải”.
Ngoài đấu đá nội bộ, chiến dịch tấn công của Nga ở Bakhmut còn bị kìm hãm bởi một “đội quân hỗn tạp” gồm các tay súng đánh thuê được tuyển mộ từ nhà tù, lực lượng dự bị chưa được huấn luyện chuyên sâu, cùng một số đơn vị chính quy quân đội Nga nhưng có khả năng phối hợp kém, theo trung tướng Ukraine Romanenko.
“Họ đã từng đánh giá quá cao năng lực đội quân của mình khi tiến đánh Kiev bất thành hồi đầu năm ngoái, và đang lặp lại điều này”, ông nhấn mạnh. Điều này có thể khiến lực lượng Nga khó tiến được xa hơn, ngay cả khi Bakhmut thất thủ.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, CNN)
Để lại một phản hồi