Nhiều người Trung Quốc bỏ việc văn phòng để bán hàng rong: Kiếm gần 70 triệu/tháng, không có ‘deadline’ cũng chẳng có sếp

Chỉ 2 tuần sau khi Linda Xiong bắt đầu chia sẻ về trải nghiệm bán hàng trên vỉa hè của mình, khoảng 900 cư dân mạng có cùng “lối đi” đã tham gia vào nhóm chat của cô trên Xiaohongshu. Họ thảo luận về các địa điểm lý tưởng để đặt quầy hàng trên vỉa hè và các loại hàng hóa phổ biến với người đi đường.

Một số người thì kỳ vọng đây sẽ là “nghề tay trái” của họ, còn số khác lại tìm cách trở thành người bán hàng rong toàn thời gian. Có người nói rằng họ không muốn quay lại với công việc văn phòng, người thì giãi bày mình vừa mất việc.

Xiong chuyển sang nghề bán hàng rong vào năm 2020, khi Trung Quốc khuyến khích hoạt động này để giải quyết tình trạng thất nghiệp trong những ngày đầu của đại dịch. Gần đây, cô đã quay trở lại với công việc này sau khi những quy định kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ.

Xiong bán đồ chơi đan len ở gần các khu trung tâm thương mại ở Thượng Hải. Cô cho biết: “Chính phủ đang khuyến khích mọi người kinh doanh các quầy hàng trên đường phố, tại những khu vực được chỉ định. Cho đến nay thì số tiền kiếm được không hề tệ. Tôi có thể kiếm được 20.000 NDT (2.900 USD)/tháng nếu gần như ngày nào cũng làm việc.”

Chính quyền thành phố Thượng Hải hồi cuối tháng trước đã ban hành một kế hoạch chi tiết để cho phép người dân mở các quầy hàng ngoài trời theo trật tự. Động thái này nhằm mục đích kích thích nền kinh tế đang trì trệ.

Trước đây, việc kinh doanh trên vỉa hè ở Trung Quốc vẫn bị cấm. Những người bán hàng rong được coi là thiếu trật tự và có thể gây ra nhiều vấn đề về an ninh xã hội. Tuy nhiên, khi đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ thị trường lao động và nhiều người theo đuổi lối sống khác, nhiều cư dân ở các thành phố – chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, đang “ra đường” để kiếm sống.

Nhiều người Trung Quốc bỏ việc văn phòng để bán hàng rong: Kiếm gần 70 triệu/tháng, không có deadline cũng chẳng có sếp - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong nhóm tuổi 16-24 vẫn tăng 16,7% trong tháng 12. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị đang là 5,5%. Dù nền kinh tế đã hồi phục từ mức thấp của năm ngoái, nhưng thị trường việc làm dự đoán vẫn rất khắc nghiệt, khi có 11,58 triệu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng trong năm nay.

Khoảng 47% trong số 50.000 nhân viên văn phòng của Trung Quốc được khảo sát bởi công ty tuyển dụng Zhaopin lo ngại rằng họ có thể mất việc trong năm nay. Con số này tăng từ 39,8% của 1 năm trước.

Việc các quầy hàng trên phố được mở cửa trở lại có thể khuấy động bầu không khí của thành phố và tạo ra thêm việc làm. Song, hoạt động này thúc đẩy nền kinh tế ở mức độ nào và có bền vững hay không thì vẫn là dấu hỏi lớn.

Giáo sư Shi Lei từ Trường Kinh tế thuộc Đại học Phúc Đán cho biết hoạt động kinh doanh trên đường phố là “tái sử dụng” không gian khi có rất ít phương tiện giao thông di chuyển. Dù đây không phải là lĩnh vực mà một thành phố có thể tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng lại giúp cải thiện thu nhập của người dân. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là với những người chịu áp lực bị giảm lương.

Ông cho biết đây là nền kinh tế ban đêm và được thực hiện chủ yếu bởi thế hệ thanh niên. Họ là những người có khả năng, nhận thức cao nên không gây ra những vấn đề như trong quá khư, ví dụ như làm mất mỹ quan đô thị hay xả rác bừa bãi.

Nhiều người trong số các “ông trùm” nổi tiếng, như Jack Ma hay Liu Chuanzhi, đã từng mở các quầy hàng trên đường phố vào những năm 1980 và 1990.

Nhiều người Trung Quốc bỏ việc văn phòng để bán hàng rong: Kiếm gần 70 triệu/tháng, không có deadline cũng chẳng có sếp - Ảnh 2.

Được Thủ tướng Lý Khắc Cường khuyến khích, nhiều chính quyền địa phương, bao gồm cả Bắc Kinh va Thành Đô, cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên đường phố vào năm 2020, trước khi đại dịch xảy ra.

Theo quy định mới ở Thượng Hải, chính quyền các quận sẽ chỉ định những khu công cộng, ví dụ như khu dành cho người đi bộ và không gian bên ngoài các chợ, là địa điểm buôn bán của quầy hàng tạm thời, Tuy nhiên, các quầy này không được buôn bán ở các khu vực quan trọng như gần đường lớn, trường học và bệnh viện.

Alice Peng – người kinh doanh một cửa hàng trang sức online và thử bán trên phố vào cuối tuần từ đầu tháng trước, cho biết hầu hết các khu vực được chỉ định tính phí hàng trăm NDT mỗi ngày. Theo cô, đây là khoản chi phí khá lớn vì doanh thu trong một ngày “ế hàng” cũng chỉ là vài trăm NDT. Nhưng nếu đến những vỉa hè “miễn phí” thì không chỉ bị phạt mà còn không có nhiều khách hàng.

Đối với Xiong, việc vận hành một gian hàng như vậy khá mệt mỏi nhưng chắc chắn sẽ mang lại giá trị. Cô cho nói rằng cô kiếm được chưa đầy 8.000 NDT/tháng với công việc cũ và phải rất vất vả mỗi ngày. Trước đây, Xiong làm nhân viên thu ngân ở một công ty tư nhân.

Xiong chia sẻ: “Giờ đây, thu nhập của tôi không ổn định, khi những ngày ‘ế khách’ thì có thể là bằng 0. Nhưng nhìn chung mọi thứ cũng khá ổn, có những ngày tôi kiếm được hơn 1.000 NDT và có nhiều thời gian rảnh hơn. Tôi nghĩ hoạt động kinh doanh của mình sẽ khởi sắc khi thời tiết ấm hơn.”

Tham khảo SCMP

Bloomberg: Hãy quên ‘mùa xuân’ lãi suất sẽ được cắt giảm đi, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*