SVB sụp đổ: Mọi chuyện cần biết về khủng hoảng mới nhất ngành ngân hàng Mỹ

Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) chính thức giành quyền kiểm soát SVB Financial sau khi giá cổ phiếu của nhà băng này lao dốc, kéo theo hàng loạt tên tuổi nhà băng khác, bao gồm JPMorgan và Bank of America.

Chuyện gì đã xảy ra?

SVB (Silicon Valley Bank) là một nhà băng 40 năm tuổi với hoạt động tập trung vào cho vay và nhận tiền gửi từ nhóm các công ty công nghệ khởi nghiệp tại thung lũng Silicon.

SVB là nhà băng cung cấp vốn cho khoảng 44% các công ty công nghệ khởi nghiệp được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn và các công ty công nghệ sức khoẻ đã lên sàn chứng khoán trong năm 2022, theo số liệu mà SVB tự giới thiệu.

Giá cổ phiếu SVB giảm 86% trong phiên giao dịch sáng này thứ Năm (9/3) và phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/3), trước khi cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch vì vượt các mức giới hạn theo quy định.

Sau đó, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) công bố đóng cửa hoạt động của SVB Financial Group và nắm quyền kiểm soát đối với các khoản tiền gửi tại đây.

Giá cổ phiếu SVB lao dốc hơn 86%

Vì sao giá cổ phiếu SVB lao dốc thẳng đứng?

Có 2 lý do khiến giá cổ phiếu SVB đột ngột giảm tới 86% trong phiên giao dịch ngắn ngủi. Cả 2 lý do này đều liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát leo thang tại Mỹ.

Trước tiên, việc Fed thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất đã tác động tới các khoản trái phiếu mà SVB đang nắm giữ. SVB công bố nhà băng này chịu lỗ 1,8 tỷ USD trong ngày thứ 5 (9/3), sau khi phải bán ra 21 tỷ USD các trái phiếu trong danh mục mà nhà băng này nắm giữ. SBV đã cố gắng nhưng thất bại trong việc huy động thêm 2,3 tỷ USD thông qua bán cổ phiếu để bù đắp khoản lỗ.

Thêm vào đó, các công ty công nghệ đang trong giai đoạn khó khăn hơn khi huy động vốn và đối diện với chi phí vay mượn cao hơn khi lãi suất tăng. Bởi vậy, các công ty công nghệ nhanh chóng rút các khoản tiền gửi hiện có tại SVB, khiến nhà băng này đối diện nguy cơ rơi vào tình trạng bank run (khách hàng rút tiền ồ ạt). Thực tế, SVB đã phải đưa ra một số quy định giới hạn lượng tiền rút của một số khách hàng.

“Vị thế đặc biệt của SVB tại thị trường ngách là nhóm công ty công nghệ đã giúp nhà băng này tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng gây ra sự sụp đổ nhanh chóng”, Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng Interactive Brokers cho biết.

Diễn biến này tác động như thế nào tới các ngân hàng khác?

Sau khi SVB chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc, Silvergate Capital – một ngân hàng tập trung vào thị trường tiền điện tử cũng thông báo đóng cửa vào ngày thứ Năm (9/3). Cuộc khủng hoảng tại 2 nhà băng làm dấy lên lo ngại hiệu ứng lan toả ra toàn bộ ngành ngân hàng, khiến giá cổ phiếu của các nhà băng khác cũng giảm mạnh.

4 nhà băng lớn nhất gồm JPMorgan, Bank of America, Wells Fargo và Morgan Stanley đã chứng kiến vốn hoá thị trường bốc hơi khoảng 55 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/3), theo số liệu của Refinitiv.

Chỉ số KBW Bank – theo dõi giá của các nhà băng niêm yết hàng đầu nước Mỹ giảm 7,7% trong phiên giao dịch ngày 9/3, đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất trong gần 3 năm qua.

Tới phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/3), nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hoá. Trong khi cổ phiếu của JPMorgan hồi phục nhẹ, giá cổ phiếu của First Republic Bank giảm thêm 20%.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ngày thứ Sáu (10/3), FDIC đã đóng cửa SVB. Thông báo của cơ quan này cho biết: “Nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng, FDIC sẽ tạo một tài khoản bảo đảm. Vào thời điểm đóng cửa, FDIC sẽ ngay lập tức chuyển tới tài khoản đảm bảo này tất cả các khoản tiền gửi được bảo đảm tại SVB”.

Nếu Silicon Valley Bank phá sản, các khoản tiền gửi sẽ được bảo vệ bởi Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC) với giới hạn là 250,000 USD cho mỗi khoản tiền gửi. FDIC cho biết, các khách hàng có thể rút khoản tiền 250.000 USD từ quỹ do chính phủ bảo hộ vào ngày thứ Hai (13/3/2023).

Tuy nhiên, do SVB chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp ngành công nghệ, nên đa phần khách hàng có khoản tiền gửi lớn hơn nhiều so với con số này tại nhà băng.

Bill Ackman – tỷ phú đầu tư nổi tiếng trước đó đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ thực hiện cứu trợ với SVB bởi nhà băng này có vị thế đặc biệt đối với thị trường vốn đầu tư mạo hiểm.

“Sự sụp đổ của SVB Financial có thể phá huỷ thị trường vốn đầu tư mạo hiểm – lĩnh vực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Bởi nhiều công ty có vốn mạo hiểm đầu tư đang phụ thuộc vào các khoản vay tại SVB, cũng như gửi tiền mặt phục vụ hoạt động tại nhà băng này”, Bill Ackman chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

“Nếu các thành phần tư nhân không thể đưa ra giải pháp, biện pháp cứu trợ từ chính phủ nên được cân nhắc”.

Nhà đầu tư lo lắng như thế nào về tình hình hiện nay?

Giới đầu tư tỏ rõ sự lo lắng sau khi 2 nhà băng liên tiếp sụp đổ. Một số tên tuổi lớn tại phố Wall đã lên tiếng cảnh báo nỗi sợ hãi xuất phát từ sự sụp đổ của SVB có thể lan rộng ra toàn bộ hệ thống tài chính.

Hàng loạt nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng sự kiện SVB là cú sốc lớn với thị trường, so sánh việc SVB bị đóng cửa tương tự tình huống Lehman Brothers nộp đơn phá sản năm 2008.

Thực tế, SVB là nhà băng đã 40 năm tuổi, tập trung hoạt động với nhóm khách hàng là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại thung lũng Silicon. Sự sụp đổ của SVB có thể trở thành khủng hoảng lớn nhất ngành ngân hàng kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Xét theo con số, tính tới cuối tháng 12/2022, SVB có 209 tỷ USD tổng tài sản. Theo đó, nếu phá sản, đây sẽ là vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ sau Washington Mutual (nhà băng sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*