“Chúng ta phải ngăn chặn hành động điên rồ này. Ngay khi những viên đạn uranium nghèo bắn vào vị trí lực lượng Nga, Moska sẽ có phản ứng đáng sợ. Đó sẽ là bài học cho cả hành tinh”, ông Lukashenko nói hôm 22/3 trong chuyến thăm đài tưởng niệm tại làng Khatyn nhân 80 năm vụ phát xít Đức thảm sát dân thường.
Tổng thống Belarus cho rằng Nga có những vũ khí mạnh hơn “đạn uranium nghèo”. “Họ sẽ cung cấp cho chúng tôi đạn uranium thực sự”, ông Lukashenko nói, dường như đề cập tới vũ khí hạt nhân.
“Nếu giới chức phương Tây hành động một cách điên rồ, họ sẽ kích hoạt quá trình này. Đó là điều đáng sợ và nguy hiểm nhất. Chúng ta phải giảm leo thang xung đột và hướng tới giải pháp hòa bình”, ông nói thêm.
Bình luận của Tổng thống Belarus được đưa ra sau khi Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie ngày 21/3 cho biết trong số đạn dành cho xe tăng chủ lực Challenger 2 sẽ chuyển cho Ukraine có đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. Theo Goldie, loại đạn này hiệu quả cao trong tiêu diệt xe bọc thép và xe tăng hiện đại.
Bộ Quốc phòng Anh gọi uranium nghèo là “thành phần tiêu chuẩn” của đạn dược và lưu ý rằng “quân đội Anh đã sử dụng uranium nghèo trong đạn xuyên giáp suốt nhiều thập kỷ”.
“Nếu chuyện đó xảy ra, Nga sẽ phải đáp trả tương xứng, do phương Tây nhìn chung đã bắt đầu sử dụng vũ khí chứa thành phần hạt nhân”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo quyết định của Anh khiến Moskva và phương Tây ngày càng tiến gần một cuộc “đối đầu hạt nhân”. “Một bước đi nữa đã được thực hiện, và ngày càng còn ít bước hơn”, ông nói. “Đương nhiên, Nga cũng có thứ để đáp lại”.
Bộ Quốc phòng Anh cáo buộc Nga “cố tình tìm cách gây sai lệch thông tin”. Uranium nghèo “không liên quan đến vũ khí và năng lực hạt nhân” và loại đạn này đã được quân đội các nước, trong đó có Nga, sử dụng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh nói.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium, có ít tính phóng xạ hơn so với kim loại này trong tự nhiên, nhưng gây lo ngại về độc tính khi phát tán trong môi trường. Uranium nghèo thường được dùng làm đạn xuyên giáp do có mật độ cao hơn 70% so với chì.
Đạn uranium nghèo gây nhiều tranh cãi về mức độ độc hại đối với con người và môi trường xung quanh. Loại đạn này được cho là có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng hoặc mắc những chứng bệnh chết người do hít hoặc nuốt phải bụi phóng xạ.
Huyền Lê (Theo TASS, Newsweek)
Để lại một phản hồi