VCI:
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Chiều nay ngày 30/3/2023, Chứng khoán Bản Việt (VCSC, VCI) đã tổ chức ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm trước, chỉ tiêu doanh thu giảm 12,4% trong khi chỉ tiêu lợi nhuận giảm 5,6%.
VCSC cho biết kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023.
“Sắp tới đây tôi nghĩ tình hình kinh doanh không thuận lợi như những năm trước”
“Sắp tới đây tôi nghĩ tình hình kinh doanh không thuận lợi như những năm trước”, Tổng Giám đốc là ông Tô Hải cho biết.
Theo VCSC, tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố (1) Ngành du lịch được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi ấn tượng trong năm 2023, cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước và sự gia tăng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, (2) Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, (3) Việc Trung Quốc mở cửa sau Covid-19 sẽ giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ và (4) Sự ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Dù vậy, vẫn có những rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam như (1) Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn lớn hơn đối với hoạt động sản xuất, thương mại và FDI; (2) Lạm phát cao hơn dự kiến khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn; (3) Các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; (4) Chính sách tài khóa thắt chặt hơn dự kiến; và (5) Các rủi ro khác như cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang.
Lợi nhuận 3 tháng đầu năm chưa đến 100 tỷ
“Báo cáo với cổ đông, kế hoạch năm nay thực sực là thách thức lớn. Vì lợi nhuận 3 tháng đầu năm chưa đến 100 tỷ, vậy 9 tháng còn lại phải đạt đến 900 tỷ mới về đích được.
Chúng tôi lập kế hoạch từ tháng 2/2023, và từ đó đến nay tình hình rất khó khăn, đặc biệt là sự việc liên quan ngân hàng Credit Suisse “, ông Hải nói.
Dự báo năm nay, riêng mảng cốt lõi là IB, vị này nhận định sẽ không thuận lợi, dự báo chỉ bắt đầu khởi sắc từ giữa quý 3/2023. VCSC vẫn giữ chiến lược truyền thống, tứ khi thị trường bùng nổ sẽ tập trung IPO, thị trường đi ngang và đi xuống thì tập trung M&A.
Nhìn lại năm 2022, với mảng cốt lõi là Ngân hàng đầu tư (IB), ông Hải cho biết VCSC là CTCK hiếm hoi có hoạt động này sôi động. Các thương vụ điển hình 2022 là bán chuỗi Phúc Long cho Masan với giá trị 400 triệu USD, tư vấn bán chuỗi Pizza4Ps cho Mekong Capital, tư vấn bán 35% cổ phần cho Điện Gia Lai…
Với mảng môi giới chứng khoán, năm 2022 không được thuận lợi như 2021, khi VN-Index từ đầu năm đến nay giảm gần 34%. Tuy nhiên, thị phần môi giới nhìn chung không có sự thay đổi lớn, tức chỉ Top 10 thay đổi vị trí cho nhau và không có đơn vị mới này chen chân vào được.
Top 10 hiện chiếm 66% tổng thị phần trên HoSE, nhích nhẹ so với năm 2021, riêng VCSC thì tụt xuống vị thứ 7.
Theo ông Hải, đến nay VCSC đang nắm giữ 147.000 tài khoản, tăng so với năm ngoái. Dù sụt giảm thị phần nhưng VCSC vẫn đứng đầu mảng môi giới cho NĐT nước ngoài, thị phần giữ vững 25%.
Và mảng trái phiếu, năm 2022 chỉ đẩy mạnh được 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm thì gặp sự cố Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. VCSC năm 2022 phát hành trên 2.000 tỷ trái phiếu.
Năm 2022, VCSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 3.156 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.060 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước. Với kết quả đạt được, CTCK này mới chỉ thực hiện được gần 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
VCSC dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền đợt 2/2022 với tỷ lệ 5% qua đó nâng tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền cho năm 2022 lên 12%. Trong năm 2022, ngoài việc tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền, VCSC còn phát hành thêm hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%) qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng.
Phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP, đổi tên công ty
Ngoài ra, VCSC còn có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành.
Một nội dung đáng chú ý khác sẽ được VCSC trình cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 là việc đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap. Theo VCSC, việc được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu của công ty và do đó cần phải nhanh chóng đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu.
Mặt khác, tên gọi “Chứng khoán Bản Việt” có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự. Trong khi đó, tên gọi “Vietcap” rất ngắn gọn, độc đáo và đã được các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức) trên thị trường tài chính trong và ngoài nước biết đến.
—-
Phần thảo luận tại đại hội
1. Tình hình kinh doanh giảm, trong khi HĐQT trình ESOP quá lớn.
Nếu ai quan tâm VCSC thì dù có làm ăn tốt hay không, thì đều phát hành ESOP cho CBCNV. 12 năm hoàn thành kế hoạch, và 1 năm không đạt. Về tỷ lệ ESOP thì VCSC so với các CTCK khác không cao. Tôi cân nhắc rất kỹ về việc ESOP, tôi xin là xin cho CBCNV chứ không phải cho cá nhân tôi.
Về tỷ suất lợi nhuận thì 2022 VCSC cao hơn so với CTCK khác, trong khi tỷ lệ ESOP xin là 0,5% thì lại rất nhỏ so với các công ty khác. Vấn đề ESOP tôi vẫn để nguyên, nếu các vị không tán thành có thể bỏ phiếu.
2. VCSC có bán vốn tại Sữa Quốc tế (IDP) không?
Cách đây 1 tuần thì IDP ký Hợp đồng bán cho chủ đầu tư bên Singapore, ký mua với cán bộ nhân viên. Giá tôi biết đâu đó 258.000 đồng/cp.
Giá vốn VCSC đầu tư tại IDP là dưới 50.000 đồng/cp, lãi bao nhiêu quý vị tự tính. Song, trong đợt bán này thì tôi không hề tham gia và không bán cổ phần nào cả. Và VCSC cũng vậy, VCSC không tham gia và sẽ không bán. Giá bán này theo chúng tôi chưa phải là tốt, tôi kỳ vọng giá cao hơn. Chúng tôi xác định IDP là khoản đầu tư chiến lược và chúng tôi đánh giá là công ty rất tiềm năng.
3. Có bán khoản đầu tư tại NAPAS?
Năm nào cũng hỏi câu này, chúng tôi sẽ không bán.
4. VCSC có tham gia thương vụ SMBC mua 15% vốn tại VPBank không?
Chúng tôi không tham gia đợt này và không nhận được khoản lợi nhuận nào cả. Hai bên đã là đối tác chiến lược rồi thì quý vị có thể hiểu được họ có thể tự làm, dĩ nhiên không kêu thêm bên nào vào cả.
5. Kế hoạch 1.000 tỷ có thể hoàn thành không?
Kế hoạch này thực tế là cực kì cao, vì nhìn vào VCSH hiện nay là 6.400 tỷ đồng, nếu quyết định không bán khoản đầu tư dài hạn thì oại ra gần 1.300 tỷ đồng không đóng góp vào lợi nhuận. Tức VCSH còn lại khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Với kế hoạch tạo ra lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tức đạt 33%, liệu có CTCK hay ngành tài chính nào đạt được hiệu quả cao như này.
Thực tế thì xác suất hoàn thành 1.000 tỷ là mong manh lắm, chỉ khoảng 20% hoàn thành. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn đang cố gắng để thực hiện. Nhưng không riêng VCSC, các CTCK khác cũng không mấy khả quan.
Tron sự nghiệp của tôi, có những năm tôi nghĩ rằng sẽ rất khó khăn, như năm 2022 kế hoạch 1.900 tỷ đồng thì tôi đã cho rằng là sự kì diệu, đã dự báo sự tuột dốc của thị trường nhưng vẫn đề kế hoạch như vậy. Và năm 2023 này, quy mô và giá trị giao dịch thị trường dự còn thấp hơn 2022.
Tuy nhiên, năm 2023 chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ hơn.
6. Tình hình mở tài khoản từ đầu năm đến nay?
Giai đoạn 2021-2022 thì khách hàng mở nhiều, song so với các CTCK lớn thì số lượng mở tại VCSC tương đối ít. Nhưng chúng tôi chú trọng vào các tài khoản thật (tức giá trị giao dịch chứ không phải số lượng), và thì tỷ lệ tài khoản “active” tại VCSC với khoảng hơn 60%.
Hiện, VCSC có khoảng 147.000 tài khoản. Trong đó, từ đầu năm tới đây, trung bình mở được gần 1.000 tài khoản, số lượng tài khoản đang giảm khá nhiều.
Năm 2022, VCSC mở ra 2 bộ phận mới, trong đó có bộ phận Wealth Management (quản lý tài sản khách hàng) nhằm tập trung nhóm khách hàng mà VCSC có lợi thế cạnh tranh cao. Cụ thể là nhóm khách hàng “high networth individual” – người có tổng tài sản trên 10 tỷ đồng, những khách hàng này có thể hiểu là nhóm thực sự mang lại lợi nhuận cho công ty.
7. Khoản vay trong và ngoài nước thay đổi như thế nào, chi phí gọi vốn ra sao?
Trước khủng hoảng thì chi phí vay không cao, trung bình lãi suất 2,5-3%. Cộng các chi phí hedging, tư vấn… vào thì đạt khoảng 5-6%. Tuy nhiên, hiện nay con số này sẽ phải cộng thêm 2,5-3%, tính sang tiền việt thì chi phí huy động hiện vào mức 8%.
Về các khoản vay nước nhgoài, khoản gần nhất VCSC phải trả là vào cuối tháng 5 này. Và chúng tôi đã thu xếp xong để duy trì cho nguồn cho margin.
Để lại một phản hồi