Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký tờ trình số 110/TTr – CP gửi Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Tại tờ trình này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Cụ thể, Dự án có mục tiêu là hình thành một trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối các trục dọc, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam của vùng; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, xóa đói giảm nghèo.

Dự án có điểm đầu tại TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang); điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài khoảng 188,2 km. Chính phủ kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục.

Theo tính toán, nhu cầu sử dụng đất cho Dự án khoảng 1.205 ha, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh theo quy mô 6 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn năm 2022 đến năm 2025, nguồn vốn triển khai Dự án sẽ được huy động từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi các năm 2022 – 2024, nguồn vốn ngân sách các địa phương (bao gồm cả nguồn từ tăng thu và tiết kiệm chi hàng năm). Năm 2026, nguồn vốn triển khai Dự án sẽ được cân đối tư Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.

Về tiến độ triển khai Dự án, Chính phủ kiến nghị tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2022; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Theo quy định của Luật Xây dựng, việc phân chia các dự án thành phần cần bảo đảm điều kiện vận hành độc lập. Như vậy, theo quy định này, đa số các dự án thành phần nằm trên địa bàn 02 tỉnh do phải phân chia các dự án thành phần theo phạm vi giữa các nút giao liên thông, không thuận lợi trong việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Do đó, Chính phủ kiến nghị phân chia dự án thành phần theo nguyên tắc nằm trên địa bàn một tỉnh để thuận lợi nhất đối với việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương.

Trường hợp địa giới hành chính các địa phương nằm giữa các vị trí công trình cầu, toàn bộ công trình cầu sẽ thuộc về một dự án thành phần, hai địa phương sẽ thống nhất giao cho một cơ quan có khối lượng lớn hơn làm cơ quan chủ trì thực hiện. Do dự án áp dụng hình thức đầu tư công, với nguồn vốn đã được cân đối, tiến độ được triển khai đồng thời nên có thể kiểm soát được việc đưa vào khai thác đồng bộ các dự án thành phần.

Với nguyên tắc nói trên, Chính phủ đề nghị phân chia Dự án thành 4 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 – Km57+200) với chiều dài khoảng 57,2 km thuộc 2 tỉnh/thành phố An Giang và Cần Thơ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 (Km57+200 – Km94+400) với chiều dài khoảng 37,2 km thuộc TP. Cần Thơ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 (Km94+400 – Km131+300) với chiều dài khoảng 36,9 km thuộc tỉnh Hậu Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.927 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 (Km131+300 – Km188+200) với chiều dài khoảng 56,9 km thuộc 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế về chỉ định thầu, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp đầu tư Dự án đến hết năm 2025.

Đối với các dự án thành phần, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như dự án nhóm A; các địa phương bố trí một phần vốn ngân sách địa phương để tham gia đầu tư Dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*