Theo Al-Monitor, đây là một trong những quốc gia giàu nhất châu Á và nắm trong tay trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới.
Iran muốn tăng tốc gia nhập BRICS
Hãng tin Reuters cho hay, ngày 17/8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về khả năng đưa Iran trở thành thành viên của BRICS.
Khối các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi sẽ thảo luận về khả năng mở rộng quy mô tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 (diễn ra từ 22/8 – 24/8).
Quốc gia Tây Á này đang rất muốn tăng tốc trở thành thành viên khối BRICS. Trước đó 3 ngày (14/8), tờ Heritage Times cho biết, Iran cũng đã liên hệ và đề nghị chính phủ Nam Phi hỗ trợ để đẩy nhanh tiến trình.
“Chúng tôi hy vọng rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ có cơ hội tăng tốc trở thành thành viên của BRICS, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nam Phi và các thành viên khác” – Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian cho biết tại một cuộc họp báo ở thành phố Pretoria (Nam Phi).
Mặc dù tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân nhưng Iran cũng khuyến khích BRICS bổ sung thêm các quốc gia tiềm năng khác như Saudi Arabia, Indonesia, UAE. Ông Amirabdollahian cho biết, điều này giúp củng cố hơn nữa sức mạnh của BRICS trong bối cảnh khối này đang tìm cách cạnh tranh với Mỹ và EU.
Tiềm lực mạnh mẽ
Theo tờ Al-Monitor, Iran đang nắm giữ khoảng ¼ trữ lượng dầu mỏ của Trung Đông và có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới.
Một bài viết đăng tải năm 2022 của tờ Pravda đề cập rằng, trong hơn 40 năm bị cấm vận nền kinh tế Iran vẫn phát triển ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đây là quốc gia lớn nhất trong số các quốc gia Tây Á, Trung Đông và OPEC. Iran còn là nền kinh tế lớn thứ hai trong thế giới Hồi giáo sau Thổ Nhĩ Kỳ về GDP.
Đặc biệt, theo bảng xếp hạng của Insider Monkey 2023, Iran là một trong những quốc gia giàu nhất châu Á, giữ vị trí thứ 8/20 với tổng tài sản 2,292 nghìn tỉ USD.
Sức mạnh quân sự khổng lồ của Iran cũng khiến Mỹ phải dè chừng. Chưa kể tới vũ khí hạt nhân, Iran đã sở hữu một lực lượng quân sự quy ước rất mạnh, đủ sức gây thiệt hại nặng cho đối phương nếu chiến tranh nổ ra.
Vì sao Iran muốn gia nhập BRICS?
Theo Al-Monitor, với sự gia nhập của Iran, BRICS sẽ có thêm nhiều lợi thế hơn. Trước đó, Tổng thống Iran Raisi đã có bài phát biểu bày tỏ rằng Iran sẵn sàng chia sẻ khả năng và tiềm năng to lớn của mình để giúp BRICS đạt được mục tiêu.
Ở chiều ngược lại, BRICS có thể mang tới cho Iran điều gì? Ashok Swain, giáo sư nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển cho rằng, Iran có thể hưởng lợi đáng kể khi gia nhập BRICS, vì nước này không có ý định trở thành đồng minh của phương Tây, trong khi quan hệ của họ với Trung Quốc và Nga giống như một “đồng minh cấp dưới” hơn là đối thủ cạnh tranh.
Là một phần của BRICS, Iran có thể đạt được rất nhiều lợi ích, cả về mặt kinh tế và ngoại giao. Bên cạnh đó, BRICS có thể trở thành câu lạc bộ những nhà sản xuất và tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới bên ngoài Mỹ. Trong một thời gian dài, khối này đã có kế hoạch/xây dựng hệ thống thanh toán chung, ngân hàng tiền tệ và cơ chế dự trữ. Bằng cách này, các nước thành viên trong khối có thể thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao châu Âu ở Islamabad nhận định, Tehran thấy được việc các quốc gia thành viên BRICS đã thiết lập cơ chế tài chính độc lập để vô hiệu hóa nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt chính sách của họ như trong hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, Tehran khó lòng đạt được lợi ích đầy đủ từ BRICS nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây không được dỡ bỏ hoàn toàn. Tiềm năng của kinh tế Iran rất lớn nhưng sự phát triển của nước này đòi hỏi công nghệ phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Đây là điều mà BRICS không thể cung cấp.
Do đó, Tehran đang đi theo một con đường song song, vừa tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (INSTC), vừa hy vọng nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Để lại một phản hồi