Theo sáng kiến này, cảnh sát và giáo viên dạy lái ở thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, mời tài xế uống một lượng rượu vừa đủ “vượt quá giới hạn cho phép” trước khi lên xe.
Họ sau đó sẽ điều khiển xe qua đường ziczac, cua chữ S và cua hẹp trên sa hình trong khuôn viên trường dạy lái, để giáo viên đánh giá mức độ an toàn của chuyến đi.
Sáng kiến được triển khai từ ngày 21/8, nhân kỷ niệm 17 năm vụ tai nạn do một tài xế say xỉn gây ra khiến ba trẻ em thiệt mạng ở thành phố Chikushino. Mục đích của giới chức là nhằm cho các tài xế trực tiếp trải nghiệm cảm giác say sau tay lái như thế nào và nó nguy hiểm ra sao.
Hai phóng viên Hyelim Ha và Rokuhei Sato của tờ Mainichi đã tình nguyện tham gia trải nghiệm này. Ha là người cầm lái, còn đồng nghiệp Sato ngồi cạnh, đóng vai một hành khách tỉnh táo.
Khoảng một giờ sau khi phóng viên Ha uống một lon bia 350 ml, một ly rượu mơ và một ly rượu shochu pha nước, nồng độ cồn của cô là 0,3 mg/lít khí thở, gấp đôi ngưỡng cho phép là 0,15 mg.
Dù bị lạnh tay, tăng nhịp tim và mặt đỏ bừng, Ha, 26 tuổi, vẫn cảm thấy có thể lái xe. Đây cũng là lời khai của tài xế gây ra vụ tai nạn thảm khốc khiến ba trẻ em thiệt mạng năm 2006.
Nhưng khi cầm lái, Ha liên tục tăng giảm tốc không hợp lý trên đoạn đường thẳng, khiến đồng nghiệp Sato ngồi cạnh liên tục bị chao đảo. Ha cố gắng lái xe qua đường ziczac và bị phó hiệu trưởng trường lái Shojiro Kubota dừng xe ngay trước khi vào khúc cua chữ S.
Trước sự ngạc nhiên của Ha, ông Kubota nói rằng cô đã đi vào khúc cua với tốc độ cao do ảnh hưởng của rượu và có lúc đi chệch sang làn đối diện do đánh lái quá rộng.
“Dù uống rượu làm suy giảm các các kỹ năng nhận thức, phán đoán và điều khiển phương tiện, tài xế vẫn cho rằng họ đang lái xe an toàn. Đó là sự nguy hiểm của việc uống rượu lái xe”, ông Kubota nói.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết việc nhiều tài xế tự tin rằng mình có thể lái xe bình thường sau khi uống rượu sẽ hình thành xu hướng chủ quan và tiếp tục lặp lại vi phạm. Cơ quan này cũng trích số liệu cho thấy nguy cơ xảy ra tai nạn gây tử vong do uống rượu lái xe cao gấp 7 lần so với khi tài xế tỉnh táo.
“Mục đích của chương trình là cho phép tài xế tự trải nghiệm sự khác biệt và hiểu mối nguy hiểm từ hành vi này”, phát ngôn viên sở cảnh sát Chikushino nói.
Luật giao thông đường bộ Nhật Bản quy định nồng độ cồn trong hơi thở khi lái xe phải dưới mức 0,15 mg/lít hơi thở. Tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng nhưng dưới mức 0,25 mg/lít sẽ bị phạt hành chính và thu bằng lái 90 ngày. Người vi phạm trên mức 0,25 mg/lít sẽ bị tước bằng hai năm.
Năm 2022, trong số gần 1.400 người bị bắt vì lái xe trong tình trạng DUI (say rượu hoặc ảnh hưởng bởi chất kích thích), cảnh sát Fukuoka phát hiện 81% trường hợp có nồng độ cồn vượt mức 0,25 mg/lít.
Trong 7 tháng đầu năm, 672 trong số 883 người bị nghi ngờ lái xe trong tình trạng DUI là những tài xế có nồng đồ cồn cao, cho thấy tình trạng này đang diễn biến phức tạp.
Đức Trung (Theo Guardian, Mainichi, CNN)
Để lại một phản hồi