Bạch hải đường lên “cơn sốt”, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân không bị “sập bẫy lừa”


Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường khẳng định bạch hải đường là cây không có gì quý hiếm.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện thông tin nhiều người săn tìm mua cây bạch hải đường (cây hải đường hoa trắng, thuộc họ cây trà) với mức giá cao từ vài chục triệu cho tới cả tỷ đồng một cây trưởng thành.

Theo những lời quảng cáo, cây bạch hải đường này hoa trắng, là loại đột biến quý hiếm chứ không phải hoa màu đỏ lâu nay vẫn thấy, nên giá rất cao. Nhiều người sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cây có đường kính 30cm trở lên có giá không dưới 1 tỷ đồng. Họ cho rằng màu trắng chính là đột biến của hải đường đỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết đang tiếp nhận thông tin về tình trạng “thổi giá” lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng với cây bạch hải đường xảy ra ở một số địa phương trong những ngày qua và tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình để có chỉ đạo, khuyến cáo kịp thời.

Theo ông Cường, chúng ta vừa có bài học “nhãn tiền” về lan đột biến khiến nhiều người ở các địa phương thua lỗ nặng, thậm chí vỡ nợ nhưng người dân ở một số nơi lại quá mau quên, tiếp tục “ngáo giá” theo cây bạch hải đường.

Bạch hải đường lên cơn sốt, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân không bị sập bẫy lừa - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, bạch hải đường là cây rất bình thường, không quý hiếm.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng thông tin, hải đường là loại cây bình thường, xuất hiện từ rất lâu ở Việt Nam và thường được trồng làm cây cảnh. Trước đây, người dân thường quan tâm, thích các loại hải đường hoa màu đỏ, màu vàng và gần như không để ý đến màu trắng, do đó, số lượng ít hơn rất nhiều.

Về việc nhân giống loại cây này, ông Cường khẳng định việc nhân giống các loại hoa hải đường trắng, đỏ hay vàng cực kỳ đơn giản. Người dân chỉ cần giâm cành, chiết cành hay ghép đều có thể sống và nở hoa bình thường.

Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, không tin, không bị “sập bẫy lừa” từ loại cây này.

PGS.TS Đặng Văn Đông, chuyên gia nghiên cứu về cây cảnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Học viện Nông nghiệp cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, cây bạch hải đường không hề có giá trị như những gì đang được quảng cáo khi rao bán trên thị trường.

Cơn sốt bạch hải đường xuất phát từ nguyên nhân do trước đây người ta không chú ý nên cây này hiếm, ít xuất hiện trên thị trường. Một số người lợi dụng điều này muốn tạo ra cơn sốt, đẩy giá cây lên để mang lại giá trị cao cho mình. Bạch hải đường không phải là cây quý, cũng không phải cây đột biến từ hải đường đỏ mà đây là do quá trình lai tạo trong tự nhiên sinh ra.

Trước đây, cơn sốt lan đột biến khiến nhiều cơ quan chuyên môn cũng như quản lý nhà nước phải vào cuộc làm rõ để cảnh báo. Thế nhưng do lợi nhuận quá cao, trong thời gian ngắn, dễ dàng, nên nhiều người điều kiện kinh tế khó vẫn đi vay mượn người thân, ngân hàng để đầu tư. Nhiều người đã mất nhà, mất đất, mất sạch tài sản từ cơn sốt này. Đến nay, chiêu trò thổi giá bạch hải đường cũng tương tự, người chơi phải đối mắt với rất nhiều rủi ro.

Bỏ qua lan đột biến đi, hổ đột biến mới thực sự quý!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*