Trung Quốc cũng đi theo con đường riêng của mình với trạm không gian tư nhân Thiên Cung. Họ còn ký một biên bản ghi nhớ với Nga để thành lập trạm nghiên cứu Mặt Trăng và tăng cường hợp tác không gian cùng nhiều nước khác.
Hợp tác giữa Mỹ và Nga, dù ở mức thấp vì xung đột Urkaine, vẫn được duy trì trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
“Từng có thời kỳ tư tưởng chính trong cuộc đua không gian là ‘Hãy nhìn tôi, tôi có thể làm điều mà không ai khác làm được. Tôi không ngầu sao?'”, Pace nói. “Ngày nay, nó trở thành ‘chúng ta có thể làm những điều thực sự đầy tham vọng và mạnh mẽ, bạn có muốn trở thành một phần trong đó không? Bạn có muốn tham gia không?'”.
Hơn 70 quốc gia trên thế giới đang có các chương trình không gian của riêng mình. Liên minh châu Phi đã thành lập một cơ quan vũ trụ khu vực trong năm nay. Arab Saudi triển khai chương trình đào tạo phi hành gia vào tháng 9 năm ngoái.
Chương trình không gian non trẻ của Thái Lan đang tăng cường năng lực chế tạo vệ tinh. Tàu thăm dò Sứ mệnh Sao Hỏa của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vẫn truyền dữ liệu về trạm điều khiển và quốc gia vùng Vịnh này cho biết họ muốn tiếp cận vành đai tiểu hành tinh.
Tính kinh tế của cuộc đua không gian đã thay đổi, với mục tiêu thương mại được đề ra rõ ràng hơn. Phần thưởng mà các sứ mệnh không gian mang lại không chỉ là uy tín quốc gia, mà còn là những nguồn lợi có thể lên tới hàng tỷ USD, thậm chí hàng nghìn tỷ USD.
“Mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để bạn thực hiện các sứ mệnh Mặt Trăng khả thi về mặt thương mại và làm thế nào bạn tạo ra được lợi nhuận từ không gian?”, Goswami cho hay.
Theo Pace, tài nguyên trên Mặt Trăng có đem lại nguồn lợi thương mại khổng lồ hay không vẫn là câu hỏi chưa lời đáp. Tuy nhiên, sứ mệnh thăm dò của Ấn Độ có thể trả lời câu hỏi này. Trong quá trình tìm kiếm băng nước trên bề mặt Mặt Trăng, robot tự hành Pragyaan còn tìm thấy nhôm, sắt, canxi, chrom, titan, mangan, oxy và silicon.
Với nhiều khía cạnh có thể khai thác như thông tin liên lạc và điều hướng vệ tinh, tài nguyên, viễn thám, du lịch vũ trụ và các hoạt động kinh doanh khác, nền kinh tế vũ trụ có thể mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể.
Các quốc gia đang rất chú ý tới tiềm năng này. Thủ tướng Modi mở cửa lĩnh vực khám phá không gian cho tư nhân vào năm 2020 và số lượng công ty khởi nghiệp về vũ trụ của Ấn Độ đã tăng vọt. Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển thương mại không gian và Mỹ cũng đang hợp tác với các công ty vũ trụ tư nhân tiên tiến.
Tại Mỹ, các công ty tư nhân hoạt động về nghiên cứu vũ trụ đang cạnh tranh để tạo dựng tên tuổi cho mình, trong đó có những tỷ phú như Elon Musk hay Jeff Bezos.
Theo Pace, khám phá không gian tiếp tục tạo ra sức hấp dẫn vì nó cho phép các chính phủ thể hiện rằng họ đang “đấu tranh cho một tương lai tươi sáng”. “Các nước đều kỳ vọng trở thành quốc gia quan trọng không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai, và không gian sẽ là một phần của tương lai”, ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Để lại một phản hồi