Dấu ấn trùm Wagner để lại ở Nga

“Đối với nhiều gia đình Nga, ông ấy được gọi bằng biệt danh chú Zhenya, như thể một người họ hàng xa vui vẻ nào đó”, Ilya Kablukov bình luận trên nhóm trực tuyến dành riêng cho Wagner.

Prigozhin điều hành Wagner bằng “bàn tay sắt”, sẵn sàng ra lệnh trừ khử những người bỏ chạy, nhưng hình ảnh một người luôn tập trung vào mục tiêu giành chiến thắng cho Moskva ở Ukraine đã nhận được ủng hộ từ không ít người Nga, đặc biệt là khi quân đội chính quy chùn bước trên chiến trường.

“Khi Prigozhin còn sống, ông ấy có thể khiến một số người sợ hãi với quá khứ tù tội cũng như những cơn thịnh nộ dữ dội. Nhưng giờ đây, sự nổi tiếng của ông ấy sẽ ngày càng tăng nếu tình hình trên chiến trường trở nên tồi tệ hơn”, chuyên gia chính trị Abbas Gallyamov, người từng viết diễn văn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhận xét. “Họ sẽ nói ‘mọi chuyện không như vậy thời Prigozhin còn sống. Yevgeny sẽ không cho phép điều này xảy ra'”.

Khi Wagner đảm nhận vai trò nổi bật hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine, Prigozhin đã nhận được ủng hộ từ một số binh sĩ và người dân Nga bình thường với những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bộ Quốc phòng cùng các video với lời lẽ cứng rắn về việc giới lãnh đạo quân sự Nga đã không hành động đủ quyết liệt trên chiến trường.

Cuộc nổi loạn hôm 23/6, trong đó lực lượng Wagner chiếm giữ tổng hành dinh Quân khu miền Nam ở Rostov-on-Don và tiến về phía Moskva với rất ít kháng cự, được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Putin suốt 23 năm ông dẫn dắt đất nước.

Wagner đã gây nhiều tranh cãi với việc tuyển mộ tù nhân cho cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng bất chấp điều này, Prigozhin vẫn xây dựng được hình ảnh một người đàn ông luôn “tìm kiếm sự thật”.

“Trong quân đội và nam giới ở Nga nói chung, hình ảnh như vậy khá phổ biến”, một sĩ quan quân đội Nga cho biết. “Mọi người tin rằng luôn tồn tại bất công trên toàn cầu và đây cũng chính là tình trạng hiện tại của Bộ Quốc phòng. Prigozhin hiện lên như một người đấu tranh để tình hình tốt hơn”.

“Nhiều người lính của tôi thậm chí không tin ông ấy đã chết”, sĩ quan này nói thêm, đề cập đến tin đồn vụ rơi máy bay chỉ là một màn kịch nhằm che giấu tung tích của ông trùm Wagner.

Một binh sĩ Nga khác cho rằng Prigozhin được ủng hộ vì đã “tạo ra hình ảnh một người gần gũi với dân chúng”. Ngay sau vụ rơi máy bay, những người ủng hộ đã đặt hoa, nến và cờ Wagner bên ngoài trụ sở của nhóm tại St. Petersburg.

Các hoạt động tưởng niệm tương tự cũng xuất hiện trên khắp nước Nga, trong đó có thủ đô Moskva, thành phố Rostov-on-Don hay Novosibirsk, Irkutsk của Siberia.

Tại St. Petersburg, cảnh sát đã bắt một cựu binh Wagner, người được tuyển mộ từ nhà tù, sau khi anh ta nổ súng do “đấu tranh với cảm xúc cá nhân” vì cái chết của Prigozhin, truyền thông địa phương đưa tin.

Một số người ủng hộ Wagner thậm chí còn làm những bài thơ tưởng nhớ Prigozhin. “Ông ấy không chết, ông ấy không chết! Ông ấy chỉ vừa nghỉ ngơi…”, Anna Revyakina, nhân viên từ Đại học Tổng hợp Moskva, viết.

Theo Trung tâm thăm dò độc lập Levada, sau cuộc nổi loạn hồi tháng 6, mức độ ủng hộ dành cho Prigozhin trong công chúng Nga vẫn đứng ở mức xấp xỉ 35%.

Nhưng theo Andrei Kolesnikov, chuyên gia về Nga tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, trụ sở ở Washington, Mỹ, khó có khả năng những dấu ấn Prigozhin để lại sau khi chết sẽ tác động đáng kể đến chính trị Nga.

“Những người ủng hộ Prigozhin sẽ không có ảnh hưởng đến các tiến trình chính trị ở Nga, bởi họ không có sức nặng chính trị”, ông lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo Moscow Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*