Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/9 thông báo đã đẩy lùi một cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tại tỉnh biên giới Kursk và bán đảo Crimea, với nhiều phi cơ bị bắn hạ. Roman Starovoit, thống đốc tỉnh Kursk, cho biết vụ tấn công đã khiến một tòa nhà ở thành phố Kurchatov bốc cháy nhưng không gây thương vong.
Đây là một trong loạt vụ tập kích bằng UAV nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga trong vài tuần qua, trong đó có một số vụ gây thiệt hại lớn. Ngày 30/8, vụ tấn công vào sân bay ở thành phố Pskov, thủ phủ tỉnh cùng tên, đã khiến 4 máy bay vận tải hạng nặng Ilyushin Il-76 bị hư hại. Đây được cho là vụ tập kích bằng UAV có quy mô lớn lớn nhất nhằm vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước cảnh báo “chiến sự đang đến với người Nga”, khi các đô thị mang tính biểu tượng và căn cứ quân sự của nước này trở thành mục tiêu của UAV.
Từ khi chiến sự bùng phát, Nga đã liên tiếp tiến hành các vụ không kích tầm xa nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng tên lửa và UAV. Trong khi đó, Kiev không có năng lực đáp trả tương xứng, do lực lượng không quân của nước này bị áp đảo về mọi mặt, trong khi phương Tây không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Điều đó buộc quân đội Ukraine phải tìm phương án khác để đáp trả Nga. Một chiến thuật được Kiev áp dụng gần đây là hoán cải các dòng tên lửa cũ, trong đó có dòng S-200, để tập kích ở khoảng cách lớn. Tên lửa S-200 hoán cải đã được sử dụng để thực hiện nhiều vụ tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, bao gồm vụ tập kích vào tỉnh Rostov hôm 28/7.
Song song với việc với chỉnh sửa tên lửa đời cũ, Ukraine cũng đẩy mạnh phát triển các dòng UAV mới. Một trong những mẫu UAV tiềm năng hiện nay của Ukraine là “Morok”, dòng UAV tự sát tốc độ cao do tư nhân phát triển, có thể mang theo lượng lớn thuốc nổ với tầm hoạt động lên tới vài trăm km.
Morok là một trong các UAV được sử dụng trong cuộc tập kích vào một căn cứ quân sự tại bán đảo Crimea hôm 25/8. Nga không tiết lộ thông tin về thiệt hại của đòn tập kích, nhưng cho biết đã đánh chặn nhiều UAV trên bầu trời Crimea hôm đó.
Giới chức Ukraine cho rằng dùng UAV tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga là biện pháp tăng áp lực tâm lý, khiến người Nga nhận ra thực tế tàn khốc của chiến tranh và ngừng ủng hộ chiến dịch quân sự. Ngoài ra, chiến thuật này còn hỗ trợ trực tiếp chiến dịch phản công của Ukraine bằng cách nhắm mục tiêu vào các hạ tầng quan trọng của đối phương,
“Các mục tiêu của UAV là kho chứa nhiên liệu, cơ sở hậu cần, kho đạn và các tuyến đường vận chuyển”, người điều khiển UAV mang mật danh “Detective” của tình báo Ukraine nói. “Binh sĩ ở tiền tuyến biết vũ khí của Nga được cất giữ ở đâu, nhưng không có cách phá hủy chúng và chúng tôi làm điều đó cho họ”.
Theo Economist, Nga sở hữu hệ thống phòng không dày đặc và năng lực tác chiến điện tử hiện đại, bao gồm một hàng rào gây nhiễu sóng dài 60 km ở khu vực biên giới. Để đối phó, Ukraine sử dụng thông tin từ tình báo phương Tây để xác định vị trí các vũ khí phòng không của đối phương, qua đó tìm kẽ hở để lên kế hoạch tấn công.
Ngoài ra, Kiev cũng áp dụng một số chiến thuật như tiến hành tập kích vào sáng sớm, thời điểm đối phương thường lơ là phòng thủ, hay tấn công liên tục vào một nơi để gây quá tải lưới phòng không. Khoảng 35-40% UAV Ukraine được cho là đã vượt qua lớp phòng thủ của Nga để tiếp cận mục tiêu.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Focus, Serhiy Bezkrestnov, chuyên gia về tác chiến điện tử của quân đội Ukraine, cho hay UAV dễ bị phát hiện nhất nếu chúng phát ra tín hiệu vô tuyến và bị các vũ khí trinh sát của đối phương nhận diện, chế áp.
“Nếu UAV không phát ra tín hiệu nào, đối phương chỉ có thể dựa vào hệ thống phòng không. Các UAV tấn công của Ukraine, tương tự mẫu Shahed của Iran, tự động bay tới mục tiêu dựa trên tọa độ GPS mà không phát ra tín hiệu nào”, Bezkrestnov nói.
Theo chuyên gia này, thành công của đòn tập kích phụ thuộc vào mức độ chính xác của dữ liệu mục tiêu và hành trình bay đã được cài đặt sẵn. Các UAV của Ukraine cũng được chế tạo bằng vật liệu giảm thiểu phản xạ sóng radar, giúp chúng dễ “tàng hình” trước hệ thống phòng không đối phương.
Đại tá về hưu Vladislav Seleznev, cựu phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, cho hay chiến thuật sử dụng loạt UAV giá rẻ để tập kích đang phát huy hiệu quả trong bào mòn năng lực quân sự Nga, khi những phi cơ nhỏ mang theo 4-5 kg thuốc nổ có thể phá hủy những máy bay quân sự quý giá của Moskva.
Seleznev cho hay Ukraine đang sử dụng khoảng 25 loại UAV khác nhau, trong đó có những mẫu của công ty tư nhân SYPAQ, vốn có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với mẫu Shahed của Iran.
Tuy nhiên, chương trình UAV của Ukraine vẫn còn tồn tại một số vấn đề, bao gồm việc thiếu một cấu trúc chỉ huy, quản lý thống nhất. Lực lượng quân đội, tình báo, an ninh Ukraine và cả các tổ chức tư nhân đều phát triển chương trình UAV riêng mà không có sự phối hợp với nhau. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh và bảo mật, nhưng lại gây trở ngại cho tối ưu hóa tính năng và quá trình sản xuất UAV.
Các dự án phát triển tiềm năng của công ty tư nhân như “Morok” thì không nhận được sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ, nên gặp khó khăn trong việc đưa vào sản xuất hàng loạt. Tình trạng tham nhũng, quan liêu và lợi ích nhóm dai dẳng trong ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như việc thiếu linh kiện và chuyên gia, cũng là những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt.
Theo nguồn tin từ quân đội Ukraine, nước này từng sở hữu số lượng UAV chiến thuật nhiều gấp ba lần so với Nga ở giai đoạn đầu chiến sự, nhưng giờ “khác biệt này đã bị xóa bỏ”. Economist cho biết Nga gần đây đã đưa vào chiến trường một số loại vũ khí tác chiến điện tử có thể gắn trên xe tăng và các phương tiện cơ giới, làm giảm hiệu quả hoạt động của UAV Ukraine.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thông báo phân bổ khoản ngân sách tương đương 1,1 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực UAV. Kiev đặt mục tiêu sẽ sản xuất hoặc mua tổng cộng 180.000-200.000 UAV trong năm nay.
“Cuộc xung đột đang mang lại nhiều thách thức và một trong số đó là công nghệ quân sự. Chúng ta phải đi trước đối phương một bước và phải bảo vệ các binh sĩ. UAV sẽ giúp chúng ta làm điều đó”, ông Shmyhal nhấn mạnh.
Phạm Giang (Theo Economist, TASS)
Để lại một phản hồi