Hồi kết của WeWork – ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy

TIN MỚI

    Thập kỷ qua chứng kiến làn sóng khởi nghiệp của một loạt các startup công nghệ trong bối cảnh sự phổ biến của smartphone giúp hàng tỷ người kết nối với nhau. Thời gian này, bên cạnh những công ty khởi nghiệp thành công nhờ hưởng lợi từ nền kinh tế, vẫn có những mô hình sụp đổ dưới sự dẫn dắt thất bại của các CEO. Trong số đó, không thể không nhắc tới WeWork – “kỳ lân giấy” của làng công nghệ.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 3.

    Adam Neumann đến New York vào năm 2001, ban đầu chỉ thành lập một công ty tên Krawlers chuyên bán quần áo cho trẻ sơ sinh. Sau lần gặp gỡ và kết thân với kiến trúc sư Miguel McKelvey (đồng sáng lập WeWork sau này), cả hai nổi hứng kinh doanh bất động sản từ một nhà kho bỏ trống trên phố Water và quyết định đặt tên công ty là Green Desk.

    Năm 2008, Green Desk chính là hiện thân ban đầu của WeWork. Đây là công ty cung cấp không gian làm việc chung mang đậm tính bền vững với nội thất tái chế và đồ dùng văn phòng xanh. Khách hàng (hay còn được gọi là thành viên) có thể thuê bàn làm việc hoặc văn phòng riêng từ tháng này sang tháng khác và Neumann kiếm tiền bằng cách tính phí cao hơn tiền thuê mình và Miguel McKelvey phải trả.

    Năm 2010, WeWork ra đời. Địa điểm đầu tiên nằm trong khu SoHo của Manhattan. Neumann và McKelvey mường tượng văn phòng cho thuê của họ là một phần của hệ sinh thái các căn hộ, phòng gym, cửa hàng cắt tóc…

    Không lâu sau khi ra mắt, công việc kinh doanh đem lại lợi nhuận. Neumann và McKelvey đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư và phát triển thương hiệu WeWork, mở thêm văn phòng cho thuê mới. Sự bành trướng đã thu hút Benchmark – một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu.

    Sau khi nhận được 17 triệu USD từ Benchmark, WeWork tiếp tục mở thêm địa điểm và đạt đến 10.000 thành viên vào năm 2014. Cũng trong năm đó, WeWork mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại London.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 4.

    Sang đến năm 2016, WeWork dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản nhà ở và cung cấp các căn hộ siêu nhỏ đầy đủ tiện nghi. Mọi người có thể tham gia các cộng đồng này và được hưởng các tiện ích như Internet miễn phí, dịch vụ người giúp việc…

    Đến năm 2017, WeWork công bố WeGrow, trường học dành cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi. Một phòng gym mang tên Rise by We cũng được khai trương tại New York nhằm mục đích hỗ trợ mở rộng mô hình.

    Tháng 9/2018, WeWork trở thành công ty thuê văn phòng tư nhân lớn nhất Manhattan. Công ty cũng âm thầm nộp hồ sơ IPO như một minh chứng cho sự cất cánh đình đám và chuyển thành WeCompany với 3 lĩnh vực kinh doanh riêng biệt: WeWork cho thuê văn phòng; WeLive vận hành chung cư và WeGrow quản lý trường tiểu học.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 5.

    Tuy nhiên, hàng loạt các hãng truyền thông và chuyên gia khi đó đều đánh giá thương vụ IPO này sẽ không đạt được kỳ vọng, thậm chí là thất bại nặng nề. Ngay cả Softbank, một cổ đông chiến lược của WeWork, cũng bày tỏ mong muốn startup này sẽ trì hoãn kế hoạch bởi công ty lúc này đang đối mặt với rất nhiều xung đột lợi ích giữa nhà đồng sáng lập và CEO Adam Neumann.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 6.

    “Cách quản lý của WeWork sẽ không mang lại lợi ích cho cổ đông”, bà Kathleen Smith, Chuyên gia về IPO, Quỹ đầu tư Renaissance cho biết. “Đây có thể xem là hồi chuông cảnh báo cho những công ty muốn lên thị trường đại chúng chỉ để nhanh chóng tăng vốn. Các nhà đầu tư giờ đã thắt chặt hầu bao của họ”.

    Tháng 9/2019, dưới sức ép của các nhà đầu tư, vốn hoá WeWork chỉ còn 10-12 tỷ USD so với gần 50 tỷ USD ban đầu. Đây được cho là cú lao dốc cực kỳ đau đớn với một startup kỳ lân lừng lẫy và dường như, tinh thần khởi nghiệp liều lĩnh đã khiến các nhà đầu tư rơi vào bẫy định giá. Khi bong bóng startup kỳ lân nổ tung, số phận của những cái tên như WeWork sẽ trở thành bài học đắt giá cho những quỹ đầu tư sở hữu hàng trăm tỷ USD: thừa tiền và cũng thừa cả sự lạc quan.

    Cuối năm 2019, Neumann từ chức và rời hội đồng quản trị của công ty như một phần của thỏa thuận với SoftBank. Sự ra đi của vị CEO này diễn ra trong bối cảnh WeWork liên tục bị các nhà đầu tư nghi ngờ về mô hình kinh doanh cũng như khả năng quản lý của nhà sáng lập.

    “Trong khi các mảng kinh doanh vẫn đang lớn mạnh thì một vài tuần gần đây, chỉ trích liên tục hướng về phía tôi và tôi nhận ra để công ty đạt được những lợi ích tốt nhất, bản thân mình nên từ chức CEO”, cựu CEO Adam Neumann nói.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 7.

    Neumann theo đó đối mặt với khoảng thời gian tăm tối. Một bài viết trên tờ Wall Street Journal còn vén màn văn hóa độc hại mà cựu CEO này tạo ra tại WeWork: Tiệc tùng xuyên màn đêm, sử dụng rượu bia và thậm chí là cả ma túy trong quá trình làm việc. Ngoài ra, Neumann và vợ của mình – Rebekah cũng nổi tiếng hà khắc với nhân viên nhưng nhân nhượng với người nhà. Họ thậm chí không đi làm nhưng không ai có quyền sa thải.

    Theo lời kể của một nhân viên từng làm việc cho WeWork, có một quy tắc bất di bất dịch mỗi khi CEO Neumann đến thăm: vài ly thủy tinh, rượu tequila cao cấp Don Julio 1942 và nhạc.

    “Mọi thứ ầm ĩ đến mức nhân viên chúng tôi không thể tập trung để làm bất cứ việc gì. Nhiều người bên ngoài từng phàn nàn về tiếng nhạc quá lớn nhưng nếu tắt đi, chúng tôi sẽ bị Neumann và nhóm của anh ấy khiển trách”, cựu nhân viên này chia sẻ. “Nếu bạn ở WeWork 1 năm thì nó giống như 10 năm tại bất kỳ công ty nào ngoài kia”.

    Theo một bài viết được đăng tải trên tờ The New York Times, Adam Neumann còn bị dính ‘phốt’ lắp đặt nhà tắm hơi sử dụng tia hồng ngoại và một hồ bơi trong văn phòng của chính mình tại Manhattan. Tất cả các khoản mua sắm đó đều được chi trả bằng tiền của công ty.

    “Một người rất dễ mắc sai lầm khi đánh giá quá thấp trách nhiệm của mình. Phần lớn mọi người đều không muốn nắm trong tay quá nhiều trách nhiệm”, Chesky, CEO Airbnb nói khi nhận xét về sự thất bại của WeWork.

    Theo các chuyên gia, WeWork thực chất chỉ là một công ty bất động sản dưới vỏ bọc tô vẽ của một startup công nghệ. Hợp đồng văn phòng có thể chỉ kéo dài 1 tháng nhưng WeWork lại thuê tòa nhà cả chục năm trời. Lấy cái ngắn hạn nuôi cái dài hạn chắc chắn sẽ không khả thi.

    Tính đến quý I/2021, khoản lỗ của WeWork phình to gấp 4 so với cùng kỳ. Bản thân startup này cũng mất hơn 1/4 khách hàng, phần lớn do các biện pháp phong tỏa và xu hướng làm việc từ xa trong đại dịch.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 8.

    Hồi tháng trước, WeWork xuất hiện dày đặc trên khắp các mặt báo sau khi gián tiếp thừa nhận khó có thể “gồng” lỗ thêm được nữa vì cổ phiếu lao dốc thảm hại so với thời điểm dự định IPO. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu WeWork đang được giao dịch ở mức 0,11 USD.

    Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), WeWork cho biết công ty chỉ có thể tiếp tục hoạt động nếu cải thiện được tính thanh khoản và lợi nhuận trong 12 tháng tới. Nếu không, startup đình đám một thời này sẽ sụp đổ.

    “Nếu không thành công trong việc cải thiện tính thanh khoản và độ khả thi của hoạt động kinh doanh, chúng tôi có thể phải xem xét tái cấu trúc nợ, tìm nguồn vốn mới, trì hoãn hoạt động kinh doanh hoặc thậm chí bán tài sản, xin được giảm nợ theo Đạo luật Phá sản Mỹ”, đại diện WeWork cho biết.

    Hồi kết của WeWork - ‘Kỳ lân giấy’ trong kỷ nguyên ‘bơm thổi’: Giá cổ phiếu chỉ còn hơn 10 xu, định giá không nổi 250 triệu USD, tân CEO tháo chạy - Ảnh 9.

    Hiện định giá WeWork không nổi 250 triệu USD. Nhiều quản lý cấp cao đã rời đi, bao gồm cả Giám đốc điều hành mới Sandeep Mathrani hồi tháng 5 và 3 thành viên hội đồng quản trị mới đây.

    Sự sụp đổ của WeWork, theo các chuyên gia, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ‘bong bóng’ định giá quá mức. Làn sóng công nghệ cuộn chảy đã giúp rất nhiều startup được ‘thổi phồng’ giá trị lên mức không tưởng.

    Đối với rất nhiều nhà đầu tư, cái kết viên mãn sẽ là công ty có thể IPO và trở thành công ty niêm yết. Tuy nhiên, IPO không hẳn là dấu mốc đánh dấu sự thành công của một công ty kỳ lân. Theo thống kê của Information, rất nhiều startup giảm giá trị sau khi IPO.

    “Những công ty đốt tiền đều sẽ phải đối diện với ánh nhìn nghi hoặc từ thị trường”, nhà phân tích Carleton English của Information nói.

    Theo BI, mô hình kinh doanh của WeWork sai ngay từ đầu và công ty còn hoạt động cho đến thời điểm hiện tại chỉ nhờ những nhà đầu tư ‘ngu ngốc’ cố chấp rót tiền. Được biết trong nửa đầu năm nay, WeWork đã lỗ 700 triệu USD sau khi ‘mất trắng’ 2,3 tỷ USD vào năm 2022 vì hoạt động kinh doanh quá tiêu cực.

    Theo: Bloomberg, BI, WSJ

    Cổ phiếu giảm 99%, hiện còn gần 0 USD, điều gì xảy ra với startup một thời danh giá nhất nước Mỹ?

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *