Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết cơ quan này đã quyết định giữ nguyên lãi suất MLF kỳ hạn 1 năm ở mức 2,85%. Tuy nhiên, họ không bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, ấn định mức cho vay MLF 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23,5 tỷ USD) cho các định chế tài chính.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ dịch xuất hiện vào cuối năm 2019. Chính quyền nhiều thành phố lớn như Thượng Hải đã phải phong tỏa để ngăn dịch lây lan thêm.
Liên tiếp các đợt phong tỏa đã làm dấy lên lo ngại rằng, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà chính phủ nước này đề ra. Cho nên, một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán, Bắc Kinh sẽ hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Công ty tư vấn kinh tế độc lập Capital Economics (Vương quốc Anh) cho rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc rõ ràng đã có cơ hội hạ lãi suất trong ngày hôm nay, nhưng động thái diễn ra trên thực tế lại “gây ngạc nhiên do nền kinh tế suy thoái mạnh và ban lãnh đạo Trung Quốc gần đây lời kêu gọi thực hiện hỗ trợ tiền tệ”.
“Hầu hết các nhà phân tích, bao gồm cả chúng tôi, đã kỳ vọng Trung Quốc hạ lãi suất”, ông Julian Evans-Pritchard nói.
Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được truyền thông trong nước dẫn lời rằng, nước này sẽ tăng cường các biện pháp chính sách để hỗ trợ nền kinh tế khi xem xét các biện pháp kích thích mới.
Bình luận về động thái hôm nay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Julian Evans-Pritchard cho rằng: “Nó cho thấy sự miễn cưỡng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong việc mạnh tay nới lỏng chính sách”.
Theo kết quả thăm dò các nhà kinh tế do Reuters thực hiện gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn khoảng 5% trong năm 2022 do nền kinh tế phải chịu một cú sốc từ đợt bùng phát Covid-19 lần này.
Mặt khác, một số nhà phân tích lý giải, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc phải thu hẹp không gian nới lỏng chính sách tiền tệ do giá tiêu dùng tại nước này có chiều hướng đi lên.
“Giá thực phẩm và năng lượng tăng nhanh đã thu hẹp không gian hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, bất chấp nền kinh tế đang diễn biến xấu đi”, ông Ting Lu chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) đánh giá.
Lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát là vào ngày 20/12/2021. Khi đó, cơ quan này đã giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,8%, từ mức 3,85%, nhưng giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%.
Đến ngày 20/1/2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản trong bối cảnh nhiều lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm, từ 3,8% xuống 3,7%. Và trong lần cắt giảm lãi suất này, Trung Quốc đã giảm 5 điểm cơ bản lãi suất kỳ hạn 5 năm, từ 4,65% xuống 4,6%.
Trước đó, vào ngày 17/1/2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ 10 điểm cơ bản lãi suất MLF từ 2,95% xuống 2,85% đối với các khoản cho vay trong vòng 1 năm trị giá 700 tỷ nhân dân tệ (110,19 tỷ USD) đối với các định chế tài chính.
Để lại một phản hồi