Chỉ còn là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn?
Sau “sự cố” Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho hay: “Chúng tôi đang tạm dừng triển khai các dự án mới vì việc phát hành trái phiếu như kế hoạch có khả năng không thực hiện được. Không chỉ doanh nghiệp chúng tôi, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào tình trạng tương tự”.
Theo doanh nghiệp trên, nếu Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tới đây siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, lợi thế huy động vốn trên thị trường sẽ thuộc về các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đã lên sàn, doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô vừa phải nhưng chưa lên sàn sẽ ngày càng đuối sức về vốn khi bị bóp nghẹt cả hai đầu (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp).
Từ năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bắt tay nhau phát hành lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn ra thị trường, nhắm tới phân khúc nhà đầu tư cá nhân. Kể từ đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu tăng trưởng và có sự phát triển bùng nổ 3 năm qua, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp.
Do phát triển quá nóng, hành lang pháp lý còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp đã lách kẽ hở pháp luật để huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng sai mục đích. Việc siết lại quản lý thị trường này là cần thiết. Tuy vậy, huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp bị chặn lại đáng kể gây lo ngại cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, sau sự việc Tân Hoàng Minh, các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư. Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.
Theo các chuyên gia FiinRatings, nửa cuối năm nay và năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, lợi thế phát hành chỉ thuộc về các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và các công ty niêm yết.
“Việc siết thị trường trái phiếu sẽ khiến một số công ty bất động sản gặp khó khăn lớn và nhiều rủi ro, nhưng cũng không ít doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và có thể tiếp tục phát triển nếu các rủi ro ngành được kiểm soát”, chuyên gia FiinRatings dự báo.
Phanh quá gấp sẽ làm gãy đổ thị trường
Siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp bất động sản, do nhiều doanh nghiệp chưa lên sàn, không thể huy động vốn trên sàn chứng khoán, trong khi tiếp cận tín dụng ngân hàng ngày càng khó khăn do chính sách nắn tín dụng vào sản xuất – kinh doanh.
– Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM
“Sau sự cố Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp bất động sản muốn huy động vốn phải tìm cách lên sàn và đa dạng hóa kênh huy động vốn. Tuy vậy, việc lên sàn không thể một sớm một chiều, trong khi đa dạng hóa thêm kênh huy động vốn là rất khó khăn”, ông Nguyễn Hữu Huân cho biết.
Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, họ đang gặp khó khăn kép về nguồn vốn, khi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt siết chặt. Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm hạn mức cho vay bất động sản.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc Chính phủ kiểm soát dòng vốn chảy vào bất động sản là đúng, vì thời gian qua, đầu cơ bất động sản tăng mạnh, giá đất cao quá mức. Tuy vậy, chỉ nên đưa ra thông điệp siết một số phân khúc đầu cơ, thay vì siết chung toàn thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chặn dòng vốn vào bất động sản một cách cực đoan và đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp không thể trả nợ vay, ngân hàng đối mặt với nợ xấu, hệ lụy với nền kinh tế rất lớn.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc lách luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp bất động sản là do lỗi của hành lang pháp lý có nhiều kẽ hở. Vì vậy, cơ quan quản lý nên tìm cách bít lỗ hổng này, chứ không phải chỉ vì một số doanh nghiệp vi phạm mà “vùi dập” thị trường. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, phát triển, doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi vì thiếu một kênh huy động vốn quan trọng.
Để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Huân kiến nghị, việc siết trái phiếu doanh nghiệp nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một. Nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu, sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Để lại một phản hồi