Bang Mỹ bồi thường 25 triệu USD cho hai người ngồi tù oan 30 năm

Bang Connecticut ngày 19/9 thông báo trả 25 triệu USD để dàn xếp vụ kiện của Ralph “Ricky” Birch và Shawn Henning, hai người bị kết án oan tội giết người khi còn là thiếu niên và phải ngồi tù hơn 30 năm.

Thỏa thuận dàn xếp chấm dứt cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài hàng thập kỷ của Birch và Henning, những người bị buộc tội giết Everett Carr năm 1985. Carr là tài xế xe tải đã nghỉ hưu, sống cùng con gái ở thị trấn New Milford.

“Người ta nói rằng bánh xe công lý đã quay chậm”, Birch bình luận. “Đây là cách nói giảm nói tránh. Họ đã lấy đi 30 năm cuộc đời tôi”.

Ricky Birch (trái) và Shawn Henning (phải) chụp ảnh trước tòa án tối cao Connecticut ở Torrington hồi tháng 10/2020. Ảnh: Hartford

Ricky Birch (trái) và Shawn Henning (phải) chụp ảnh trước tòa án tối cao Connecticut ở Torrington hồi tháng 10/2020, mặc áo với dòng chữ “Tôi vô tội” và “Tôi không phải là thủ phạm”. Ảnh: Hartford

Thời điểm xảy ra án mạng, Henning 17 tuổi, Birch 18 tuổi, nghiện ma túy, hay trộm cắp và sống trong một chiếc xe họ ăn trộm, khiến các thám tử coi họ là nghi phạm hàng đầu. Nạn nhân Carr bị đâm 27 nhát tại nhà riêng, hành lang nơi ông bị sát hại đẫm máu.

Henning và Birch lập luận rằng họ không thể giết Carr vì không có vết máu nào trên người họ hay trong chiếc xe mà họ sống. Thực tế, không có bằng chứng pháp y nào cho thấy Birch và Henning liên quan tới vụ giết người. Hiện trường vụ án có tóc và hơn 40 dấu vân tay, nhưng không có dấu vân tay trùng khớp với hai người.

Tuy nhiên, Henry Lee, nhà khoa học pháp y trưởng của bang Connecticut, trình bày trước tòa rằng có một chiếc khăn nhuốm màu đỏ trong phòng tắm gần hiện trường và kết quả xét nghiệm cho thấy trên khăn có máu. Công tố viên sử dụng thông tin của Lee để lập luận trước bồi thẩm đoàn rằng Henning và Birch có thể đã dùng khăn để lau máu. Năm 1989, Henning bị kết án 50 năm tù còn Birch 55 năm tù.

Năm 2019, Tòa án Tối cao Connecticut hủy bản án vì một số nhân chứng rút lại lời khai. Năm tiếp theo, cáo buộc chống lại hai người bị xóa bỏ. Tòa án Tối cao Connecticut xác định rằng không có máu mà chỉ có “chất vô cơ” trên chiếc khăn. Ngoài ra, tòa án cho biết Lee không có cách nào để biết vết bẩn trên chiếc khăn là gì, vì cả ông và đội ngũ trong phòng thí nghiệm đều không xét nghiệm nó trước khi Henning và Birch bị kết án.

Birch và Henning đệ đơn kiện Lee lên tòa án liên bang, sau đó kiện phòng xét nghiệm pháp y của bang, 8 điều tra viên cảnh sát và chính quyền thị trấn New Milford.

Vào tháng 7, thẩm phán liên bang xác định Lee “có nghĩa vụ pháp lý” liên quan việc ngụy tạo bằng chứng. Chưa rõ Lee có phải đền bù cho Birch và Henning hay không.

Thẩm phán giải thích rằng không có cơ sở nào chứng minh Lee đã xét nghiệm “máu” trên khăn tắm. “Ngoài tuyên bố bằng lời của ông Lee, không có hồ sơ nào chứng minh ông ấy đã tiến hành việc đó”, thẩm phán Victor Bolden nói.

Henry Lee trong một cuộc họp báo hồi tháng 7/2019. Ảnh: Hartford

Henry Lee trong một cuộc họp báo hồi tháng 7/2019. Ảnh: Hartford

Lee, 84 tuổi, từng tham gia vào quá trình tố tụng các vụ án gây nhiều chú ý. Nhà khoa học pháp y nổi tiếng hiện là giáo sư danh dự Trường khoa học pháp y và tư pháp hình sự Henry C Lee của Đại học New Haven.

Lee phủ nhận ông bịa đặt bằng chứng chống lại Birch và Henning trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7. “Tôi không có động cơ cũng như lý do để làm điều đó”, Lee khẳng định.

Hồng Hạnh (Theo Guardian/Courant)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*