Chị bắt đầu nghiệp kinh doanh như thế nào?
Tôi khởi nghiệp vào năm 1993 (trước khi kết hôn với ông Johnathan Hạnh Nguyễn – PV) bằng việc mở hai cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm của những thương hiệu cao cấp nhập khẩu. Bản thân tôi sớm đã có niềm đam mê với mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nên hay mua về xài, rồi nảy ra ý định mở cửa hàng bán. Thời điểm bấy giờ, Việt Nam không có nhiều cửa hàng như vậy nên tôi bán rất tốt và còn cung cấp sỉ cho các chợ đầu mối nữa.
Đến 1995, anh Hạnh mới nói với tôi: “Mô hình bán hàng hiện đại hiện nay rất nhiều ở khu vực, tại sao mình lại không mở một cái siêu thị lớn ở Việt Nam?”. Khi đó, em của anh Hạnh là chị Hồng với chị Hoa đã có những siêu thị nhỏ là City Mark cũng nổi đình nổi đám nhưng quy mô còn nhỏ.
Anh Hạnh nói tôi làm hợp tác liên doanh với một đơn vị trong quân đội là Công ty Đầu tư Miền Đông và mở dự án Siêu thị Miền Đông rộng hơn 10.000 mét vuông. Sau đó, anh ấy phân công tôi làm Giám đốc điều hành siêu thị, như là bắt cóc bỏ dĩa vậy (cười). Trước đó, anh ấy cho tôi đi học một khóa ngắn hạn về quản lý ở Singapore và sau đó là phải làm luôn.
Đứng đầu một mô hình bán hàng hiện đại với quy mô lớn chưa từng có, tôi phải đi tìm nguồn hàng cho siêu thị từ Thái Lan, Malaysia… vì lúc đó các nhà máy sản xuất tại Việt Nam không nhiều. Nhờ nhiều hàng nhập độc đáo và chất lượng cao, Siêu thị Miền Đông trở nên rất nổi tiếng.
Đến năm 2005, chúng tôi mới làm tiếp việc mở các cửa hàng miễn thuế hàng loạt tại nhiều sân bay. Sau khi mở hàng loạt, anh Hạnh cũng là người đua ra định hướng cho tôi về việc tại sao không đưa hàng hóa phân phối trong nội địa khi thời điểm đó Việt Nam chưa có những nhà phân phối chính thức của họ. Nghĩ rồi làm, từ các cửa hàng miễn thuế, tôi lại bắt tay vào một lĩnh vực mới – phân phối hàng thời trang nhập khẩu cao cấp.
Đến nay, IPPG chiếm tới 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, với hơn 158 thương hiệu thời trang cao cấp và trung cấp, đồng thời sở hữu hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Kinh nghiệm làm việc của một tiếp viên hàng không, diễn viên Thuỷ Tiên giúp gì cho chị khi chuyển sang kinh doanh ngành bán lẻ?
Trong quá trình khởi nghiệp làm kinh doanh, những kỹ năng từng là diễn viên hay tiếp viên hàng không đều giúp ích tôi khá nhiều trong quá trình làm việc. Nghề diễn viên giúp tôi trở nên tự tin giao tiếp, diễn thuyết trước đám đông. Điều này vô cùng quan trọng khi tính chất công việc yêu cầu những buổi trình bày ý tưởng, thuyết phục các đối tác đồng ý cho công ty đưa sản phẩm của họ vào bán tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, kinh nghiệm khi là một tiếp viên hàng không rèn luyện tính kỷ luật trong công việc và khả năng chịu đựng áp lực cao. Ai cũng biết nghề tiếp viên hàng không căng thẳng, đi trễ 5, 10 phút thôi đã có thể bị cắt bay, không chỉn chu ngoại hình cũng sẽ bị nhắc nhở.
Và một tiếp viên cũng phải rèn luyện thái độ để phục vụ khách hàng mình thật chuyên nghiệp, khả năng chịu đựng giỏi để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất. Kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng các mối quan hệ với khách hàng trong ngành bán lẻ, đảm bảo họ có được cảm giác hài lòng nhất khi sử dụng dịch vụ và cả cách xử lý lúc họ nóng giận.
“Bóng hồng” lẻ loi và câu chuyện thuyết phục các quý ông mặc quân phục bằng các con số biết nói
Làm thế nào để một người phụ nữ đang quen với môi trường hàng không, bán mỹ phẩm cao cấp… lại có thể thích ứng nhanh với ngành bán lẻ quy mô lớn – vốn rất khốc liệt và nặng nhọc?
Việc phải chuyển sang quản lý một ngành hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi rất nhiều sự thích nghi, học hỏi. Lúc ấy, ngoài khóa học cơ bản về quản lý siêu thị ở Singapore, tôi cũng không thể tìm được ở Việt Nam ai có thể chỉ cho mình cách tổ chức, quản lý một cái siêu thị lớn ra sao. Cũng vì thế, tôi và anh Hạnh phải tự tìm hiểu và hoạch định chiến lược kinh doanh cho Siêu thị Miền Đông, cũng như cách tổ chức thực hiện.
Chúng tôi phải học cách tìm nguồn hàng hóa từ nước ngoài, nguồn ở Việt Nam, rồi cách đàm phán với nhà cung cấp, những điều khoản để hai bên cùng có lợi. Việc chọn mặt hàng nào để bán tốt ở siêu thị, cách thức vận hành hiệu quả… cũng phải học và điều chỉnh rất nhiều từ các đại siêu thị ở nước ngoài như Metro ở Thái Lan, Malaysia hay Singapore.
Đặc biệt, việc đàm phán với 4.000 – 5.000 nhà cung cấp từ khắp mọi nơi thì mình không thể làm hết được, mà phải có nhiều đồng nghiệp giúp đỡ. Khi đó, mọi thứ đều mới thì mình phải đào tạo họ để họ giúp cho mình… Tôi cũng phải tự tìm tòi hướng đi để vận hành Siêu thị miền Đông, xây dựng yêu cầu tuyển dụng cho từng vị trí, sắp xếp nhân sự các bộ phận làm việc và phối hợp với nhau thật trơn tru… Khối lượng công việc rất khổng lồ, với kế hoạch triển khai cực kỳ chi tiết.
Thời điểm đó, tôi vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh liên tục để tối ưu hoá từng chút một việc vận hành. Tôi còn nhớ quãng thời gian ấy, cứ có khoá học nào về siêu thị là tôi và anh Hoà (ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch Saigon Co.op) lại rủ nhau chia sẻ thông tin. Rồi có đối tác nào làm về siêu thị qua Việt Nam hướng dẫn thì lại xin thông tin của nhau để tìm cách giúp dịch vụ trong siêu thị của mình tốt hơn.
Rồi từ từ các công ty nước ngoài vào nước ta mở nhà máy sản xuất, hợp tác với các thương hiệu trong nước. Cũng nhờ làm việc và đàm phán với CocaCola, Pepsi…, tôi cũng học thêm được nhiều kiến thức mới về mẫu hợp đồng, các điều khoản ràng buộc để có thêm chiết khấu hay tổ chức thêm chương trình khuyến mại dành cho khách hàng.
Nói chung, đó là khoảng thời gian rất gian nan. Tôi có bầu em bé trong bụng lớn rồi mà vẫn ngồi làm, tới tận ngày sinh luôn. (Cười)
Trong thời gian khó khăn đó, có lúc nào chỉ muốn bỏ cuộc không?
Đó là giai đoạn cực kỳ mệt mỏi, khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được, phải bỏ cuộc, và nghỉ không làm kinh doanh nữa. Nhưng rồi tôi vẫn làm và vượt qua được (cười). Điều rất ít người biết là ngoài những khó khăn do phải hoạch định, vận hành một mô hình hoàn toàn mới, đây còn là liên doanh giữa IPPG và một công ty của quân đội. Tôi là nữ nhân duy nhất trong ban điều hành gồm toàn những người mặc quân phục.
Mỗi lần họp, căng thẳng không chỉ đến từ việc tôi phải xây mô hình mới từ ban đầu. Đó còn là khó khăn khi phải ngồi trong ban điều hành với những quý ông mặc quân phục cùng thái độ băn khoăn, nghi ngờ khả năng lãnh đạo của một phụ nữ trẻ. Khi đó, tôi mới 25 tuổi.
Điều khiến tôi kiên trì thuyết phục các anh và trụ lại được là bởi thực chất, dù các anh có rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, nhưng riêng quản lý và vận hành siêu thị thì chỉ duy nhất tôi có mà thôi (cười).
Thực tế, trong nhiều cuộc họp, tôi phải cố gắng vượt qua sự sợ hãi, giữ bình tĩnh để làm việc. Có lần tôi phải đi vào toilet để khóc hoặc để hét lên tìm lại sự tự tin. Sau những lần va chạm trong cuộc họp, tôi biết dùng sự mềm dẻo, nhiệt huyết và kiến thức của mình để thuyết phục mọi người. Quan trọng hơn là dần dần, tôi thuyết phục được các anh bằng kết quả kinh doanh thực tế, với những con số ấn tượng. Và sự ủng hộ sau này của các anh gần như là 100%.
Ngoài giai đoạn xây dựng Siêu thị Miền Đông, còn thời điểm nào chị phải vượt qua những khó khăn tương tự?
Đó là thời điểm chúng tôi quyết định tiên phong phát triển ngành phân phối thời trang hàng hiệu cao cấp, và tôi được giao trọng trách đàm phán, thuyết phục các thương hiệu nổi tiếng của thế giới để đưa họ vào Việt Nam. Tôi nhớ lúc đó hai thương hiệu đầu tiên là Ferragamo và Bally.
Ferragamo là một thương hiệu đã hơn 100 tuổi, đại diện của họ rất chảnh và đàm phán căng thẳng vô cùng. Mình là đại diện đến từ một nước nghèo, rất cần họ đưa sản phẩm vào phân phối trong thị trường Việt Nam. Thế nhưng, họ đặt ra rất nhiều câu hỏi và điều kiện mà với điều kiện ở Việt Nam thì không thể đáp ứng, kiểu “chúng tôi là thương hiệu quốc tế lớn cho nên có những tiêu chuẩn riêng”.
Vì thế, mình không những phải trình bày, thuyết phục họ về phương án kinh doanh ra sao, mà còn phải đương đầu với sự khác biệt về chuẩn mực, luật pháp, thuần phong mỹ tục… Có những lúc tôi từng nghĩ không thể vượt qua được, nhưng rồi mọi việc lại qua.
Chị đã thuyết phục họ ra sao?
Đầu tiên tôi phân tích với họ về cơ hội thị trường. Với một đất nước gần 100 triệu dân và dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao, cơ hội kinh doanh là cực lớn. Năm 2005 – thời điểm IPPG quyết định phát triển phân phối hàng hiệu – tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 8,4%, cao nhất trong nhiều năm gần đó và thuộc hàng Top của thế giới.
Với một thị trường như vậy, nếu chậm chân thì họ sẽ lỡ cơ hội, mà LVMH (tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Hublot, Dior…) và một số thương hiệu cao cấp khác đã vào Việt Nam trước đó rồi.
Đi kèm với đó là kế hoạch chi tiết về việc xâm nhập thị trường với sự am hiểu về khách hàng, pháp luật trong nước nhờ kinh nghiệm bán hàng xa xỉ tại chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất ở Việt Nam của IPPG trước đó. Sau khi nghe thuyết trình về cơ hội thị trường, nhận ra sự chuyên nghiệp về bề dày hiểu biết về hàng hiệu của đội ngũ IPPG thì họ cũng thay đổi.
Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục thành công họ điều chỉnh các điều kiện hợp đồng cho phù hợp với văn hoá, pháp luật và tình hình cụ thể của Việt Nam để việc kinh doanh hai bên cùng có lợi, đồng thời đem lại hiệu quả. Họ đồng ý bởi khi nghe trình bày, họ hiểu rằng nếu không có một đối tác chuyên nghiệp, am hiểu thị trường thì sẽ không thể tồn tại và phát triển được ở Việt Nam.
Ở đây, phải nói một điều, kinh nghiệm xây dựng và điều hành Siêu thị Miền Đông đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi được trang bị nhiều kiến thức, không sợ thất bại, cũng không sợ hãi điều gì mà đủ tự tin (cười).
Trong những lần đàm phán với các thương hiệu quốc tế, có kỷ niệm thú vị nào chị nhớ nhất?
Tôi nhớ lần đó là đàm phán đưa một thương hiệu nổi tiếng vào thị trường nội địa, nhưng tất cả mọi người đều không thuyết phục được, chủ yếu do họ rất chảnh choẹ. Trong những điều kiện họ đưa ra, có một điều khoản rất buồn cười: Sau khi hợp đồng 10 năm hợp tác với mình kết thúc, họ yêu cầu IPPG phải bàn giao mặt bằng đó để họ kinh doanh tiếp. Họ không cần biết mình phải làm gì để giữ cho họ mặt bằng dù không còn kinh doanh ở đó và thời điểm đó người chủ có đồng ý không… Họ cho rằng, với lợi ích mà IPPG được quyền phân phối sản phẩm thì họ có quyền yêu cầu điều đó.
Khi tôi trực tiếp qua đàm phán, có nói vui với ông CEO bên đó: Thôi được rồi, tôi nói cho ông nghe nè, giả sử tôi và ông cưới nhau, sau đó ly dị, nhà cửa đã chia xong, bán cho người khác nhưng ông vẫn bắt tôi phải giữ cái nhà đó để ông ở hoài thì sao tôi giữ được? Cái nhà thuộc sở hữu của người khác rồi mà! Ông kêu tôi phải năn nỉ người chủ mà tôi còn chưa biết mặt để giữ nhà cho ông vào ở là sao?
Ông CEO kia nghe xong, cười lớn và dẹp luôn điều khoản đó. Cuối cùng thì hợp đồng cũng được ký.
Chồng chị từng chia sẻ: “Trong hơn 30 năm thành lập công ty, 20 năm đầu, tôi chèo lái. Hơn 10 năm trở lại đây, công việc điều hành tôi đã giao lại cho Tổng giám đốc Lê Hồng Thủy Tiên”. Khi nhậm chức Tổng giám đốc IPPG từ chồng mình, chị có suy nghĩ gì?
Khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO, là người đứng đầu phải đứng mũi chịu sào của IPPG – một tập đoàn đầu tư đa ngành với quy mô hàng trăm triệu đô la thì trách nhiệm vô cùng lớn, và rất thử thách nhưng cũng rất thú vị. Mà tại sao lại không nhỉ?
Tại sao từ một tiếp viên hàng không, tôi có thể tự học để xây dựng được một mô hình siêu thị hiện đại như thế mà lại không thể bước qua đây và đảm nhận những thử thách lớn hơn?
Trước khi được bổ nhiệm làm CEO tập đoàn, ngoài chức danh là Giám đốc Siêu thị miền Đông, tôi cũng đồng thời là Giám đốc của Siêu thị Bình Dân ở Gò Vấp. Ngoài ra, tôi cũng là giám đốc và ngồi trong Hội đồng quản trị để tổ chức và hình thành một loạt các siêu thị và cửa hàng miễn thuế tại nhiều cửa khẩu như Mộc Bài, Lao Bảo, An Giang…
Mình điều hành trong giai đoạn đầu, giúp họ xây dựng, mở rộng cũng như chọn cơ cấu hàng hóa. Đó không phải là siêu thị bình thường mà là các đại siêu thị (Hypermarkets) rất to, bán đủ hàng hóa nhưng lại được cơ chế miễn thuế vì nằm trong khu kinh tế. Do vậy, tất cả những quy trình nhập hàng vô cùng khó khăn, phức tạp, phải trải qua rất nhiều thủ tục hải quan và tuân thủ nghiêm túc quy định bán hàng cho người Việt Nam và cho người nước ngoài .
Nhờ việc tham gia tổ chức từ A tới Z và làm song song nhiều việc như vậy, tôi mới được đội ngũ lãnh đạo IPPG nói chung và anh Hạnh ghi nhận và cấp quyết định bổ nhiệm. Chứ không phải chỉ nhờ điều hành Siêu thị miền Đông thành công mà tôi có thể bước lên vị trí CEO IPPG đâu.
Tất nhiên, ở vai trò CEO thì tôi sẽ phải có góc nhìn đa chiều hơn, quản lý được nhiều công việc hơn của tập đoàn và phải đảm bảo những mục tiêu của mình phải đạt được KPI mà Hội đồng Quản trị đặt ra. Khi đó sự căng thẳng diễn ra ở từng hạng mục (cười).
Trong thời gian đầu làm CEO IPPG, chị gặp vấn đề gì lớn nhất?
Rõ ràng là rất khó khăn rồi. Vì đâu phải việc gì mình đụng vào cũng thành công đâu (cười). Rồi có những bất đồng và thất bại trong chiến lược mà mình triển khai khi muốn khơi dậy nhiều tiềm năng ở doanh nghiệp mà mình vừa đảm nhận vị trí CEO.
Rồi áp lực! Thật ra, khi đưa ra chiến lược quản lý của mình thì đâu phải ai cũng đồng ý. Người ta có quyền nghi ngờ những cái mình đưa ra là có thể không làm được hoặc khó thành công… Tuy nhiên, tôi vẫn đeo bám, kiên trì thuyết phục, và điều chỉnh.
Bởi tôi hiểu rằng, những gì mình hoạch định mà chính mình không đủ tự tin, không thể thuyết phục được trên đa số nhân viên quản lý trong công ty thì mình sẽ thất bại. Nếu chưa đủ đa số, mình sẽ phải xem lại chiến lược đó đi có đúng hay không và ngồi lại với những người còn nghi ngại để đi đến cùng của sự thuyết phục.
Phải chấp nhận thay đổi để có được sự đồng lòng nhưng không thể cầu toàn 100% mọi người đồng với ý với mình được, chỉ cần hơn 50% là mừng lắm rồi.
Còn chuyện thuyết phục những người vẫn còn nghi ngờ thì qua những con số và thành quả đạt được sau 3 năm tôi làm CEO thôi. Kết quả kinh doanh, những bằng khen mà IPPG nhận được là những minh chứng hùng hồn nhất rồi (cười).
Sau hơn 10 năm làm Tổng giám đốc Tập đoàn IPPG, chị thấy thay đổi lớn nhất ở mình là gì và điều gì vẫn không thay đổi?
Thật ra, bản thân con người và tính cách của tôi thì vẫn không có gì khác. Tôi vẫn đam mê học hỏi, với tinh thần không ngại thất bại như thuở mới vào nghề. Thế nhưng, chắc chắn là có những khác biệt lớn.
Đầu tiên là trách nhiệm và tầm nhìn. Đương nhiên sẽ có thêm rất nhiều áp lực mà mình phải tìm cách để cân bằng cuộc sống, nếu không cũng khó hoàn thành được những mục tiêu đặt ra.
Tiếp đến là bản thân tôi trở nên điềm tĩnh hơn, không dễ bị ai ăn hiếp nữa (cười). Tôi thấy mình lớn hơn rất nhiều. Và càng cọ xát trong thời buổi khó khăn hiện nay, tôi thấy càng phải hết sức thận trọng trong những hoạt động triển khai sắp tới. Mình không thể vội vã như những năm trước được.
Nhiều người rất tò mò muốn biết vì sao gần 30 năm trước chị không chịu đứng sau lưng chồng như nhiều cô gái trẻ lấy chồng giàu ở tuổi đôi mươi. Tại sao cô tiếp viên hàng không Thủy Tiên đó không an phận làm phu nhân của Johnathan Hạnh Nguyễn mà lại phải vất vả để trở thành doanh nhân?
Hãy tưởng tượng về việc ở chung với một quý ông là sư phụ về kinh doanh như vậy, ai lại muốn ở không chứ, tự khắc muốn học “lỏm” một ít kinh nghiệm làm vốn lận lưng (cười lớn).
Nói đùa vậy thôi, chứ thực ra tôi cũng xuất thân từ một gia đình sáu anh chị em tại Sài Gòn, ba mất từ khi còn nhỏ. Mẹ tôi phải làm ba đến bốn công việc cùng lúc, trải dài từ sáng sớm đến khuya, để nuôi lớn 6 đứa con. Những bài học từ sự khắc nghiệt của tuổi thơ khiến tôi thấy việc nhàn hạ nó làm sao ấy, không đúng với bản chất con người mình (cười).
Tôi thực sự mong muốn tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người phụ nữ, trẻ em nghèo và số phận kém may mắn. Tôi nghĩ đơn giản với vai trò là một doanh nhân, mình sẽ có cơ hội để tạo ra nhiều của cải giúp ích không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn cho xã hội, tạo ra cơ hội việc làm cho càng nhiều người càng tốt, nhất là những người kém may mắn hơn mình.
Vậy nếu được”viết lại” một điều gì đó trong các quyết định của mình, chị muốn thay đổi điều gì hay không?
Thật ra ai cũng đều có những quyết định trong quá khứ có thể chưa đúng, chưa phù hợp. Nhưng tôi tin rằng tất cả quyết định trong quá khứ dù sai lầm hay đúng đắn đều góp phần hình thành nên con người Lê Hồng Thuỷ Tiên ngày hôm nay. Tất cả trải nghiệm đó đã giúp tôi học hỏi và phát triển rất nhiều, dù là quyết định có chưa phù hợp hoặc sai lầm đi chăng nữa, vậy nên tôi trân trọng lắm!
Điều duy nhất tôi mong muốn có thể viết lại trong quá khứ chỉ là những hành động, lời nói và quyết định trong cơn nóng giận, thiếu suy nghĩ nhiều khi đã vô tình gây tổn thương cho ai đó mà thôi. Tôi tôn trọng giá trị nhân ái, vị tha và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người.
Nếu chọn ra ba người quan trọng nhất với sự nghiệp kinh doanh của chị cho đến nay thì sẽ là ai?
Thực ra không thể là ba người, phải là rất nhiều người quan trọng đối quãng đời làm kinh doanh của tôi. Nhưng nếu là những người đặc biệt nhất thì có thể kể đến như sau. Người thứ nhất là mẹ tôi. Bà là người đã dạy tôi từ thuở nhỏ rằng chỉ học và làm việc chăm chỉ mới có thể bước đến thành công. Người thứ hai là anh Hạnh: người thầy dạy tôi bước chân vào con đường kinh doanh giúp tôi trở thành một CEO như ngày hôm nay, người chồng, người cha tận tụy của gia đình.
Những người kế tiếp là các con tôi cùng những khách hàng, đối tác ở Việt Nam và đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã luôn giúp đỡ tôi cũng như Tập đoàn IPPG trong những bước chập chững vào nghề và đến nay vẫn tiếp tục hỗ trợ. Nếu kể tên cụ thể những người này sẽ rất dài và không thể hết nổi.
Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên (CEO IPPG) và chồng – ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch IPPG)
Hơn 10 năm làm CEO IPPG và đạt được nhiều thành tựu trong kinh doanh, nhiều giải thưởng quốc tế cho cá nhân, chị có suy nghĩ gì khi người ta thỉnh thoảng vẫn gọi chị là vợ của “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn hoặc mẹ chồng Hà Tăng, chứ không phải là doanh nhân Lê Hồng Thuỷ Tiên?
Chuyện đó cũng vui mà (cười). Tôi là bà con dây mơ rễ má với “ông Hạnh” – doanh nhân nổi tiếng cũng sang chảnh mà (cười). Còn con dâu của tôi – Tăng Thanh Hà cũng là cựu diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng thì hay mà, có sao đâu. Tôi thấy đó là chuyện rất bình thường và vui vẻ.
Dù vậy, tôi chỉ muốn mọi người gọi mình đơn giản là doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên thôi, một công dân Việt Nam luôn lao động hết mình để cống hiến cho đất nước.
Chị tham gia khá nhiều các hoạt động ủng hộ nữ quyền và trao quyền cho phụ nữ. Điều này được thể hiện ở IPPG ra sao và vì sao chị lại nhiệt huyết với các hoạt động này như vậy?
Tôi cho rằng đây là điều mà doanh nghiệp nào có phụ nữ làm lãnh đạo cấp cao cũng muốn thực hiện. Ở Việt Nam, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã hằn sâu trong tâm trí nhiều thế hệ và tôi muốn đóng góp vào việc xóa bỏ quan niệm đó.
Riêng tại IPPG, chúng tôi đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động, áp dụng từ quy trình tuyển dụng, chính sách lương thưởng, thăng tiến. Tất cả đều phải đảm bảo yếu tố công bằng, bình đẳng.
Đội ngũ tại IPPG tập trung nâng cao năng lực và chất lượng môi trường làm việc cho tất cả các nhân viên của tập đoàn, nhất là nữ giới, nhằm khuyến khích họ phát triển sự nghiệp. Những bộ quy tắc về bình đẳng giới trình lên nhận được sự đồng thuận cao của Hội đồng quản trị, sau đó áp dụng rộng rãi cho toàn bộ Tập đoàn.
Vì vậy, hiện IPPG có tới 60% tổng số lao động là phụ nữ, đạt mục tiêu tăng 25%, trong đó tỷ lệ nữ giới giữ vai trò lãnh đạo lên tới 55%. IPPG cũng muốn là tập trung vào việc tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong vai trò quản lý về kỹ thuật.
Ngoài ra, IPPG còn chú trọng vào các công tác xã hội bao gồm xây trường học cho trẻ em, hỗ trợ các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, nghèo đói, tạo ra các chương trình để hỗ trợ phụ nữ nghèo khởi nghiệp. Chúng tôi cố gắng làm mọi người hiểu rằng phụ nữ có vai trò quan trọng trong xã hội, không nên từ chối các bước thăng tiến, đừng quá hy sinh và nhường lại tất cả giá trị tốt đẹp cho gia đình và người khác.
Chị thích hình mẫu người phụ nữ nào nhất ở Việt Nam hoặc thế giới?
Về hình mẫu người phụ nữ yêu thích, ngoài mẹ, tôi không xác định một hình mẫu cụ thể nào, mà đó là tất cả những người phụ nữ dám vượt qua thách thức, đối diện với áp lực để đạt được khát vọng và mơ ước. Đối với tôi, họ thật dũng cảm và tự tin.
Thông thường khi ở nhà chị, nữ quyền được thể hiện ra sao?
Ở trong công ty anh Hạnh là Chủ tịch, là sếp tuyệt đối rồi không bàn nữa. Còn ở nhà, cũng giống những cặp vợ chồng khác thôi, thông thường anh Hạnh sẽ quyết những việc lớn, còn việc nhỏ sẽ để vợ quyết. Thế nhưng, như bạn biết đấy, thường ở nhà thì việc nhỏ nhiều hơn việc lớn (cười to).
Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình, chúng tôi luôn cố gắng cùng nhau xây dựng một môi trường cân bằng, tìm cách lắng nghe và đóng góp ý kiến lẫn nhau. Điều này sẽ tốt hơn, tạo ra không khí luôn vui vẻ, vô tư trong gia đình và cũng là làm gương cho con cháu nữa.
Thái Hòa – Hoàng Ly
Nhịp Sống Thị Trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/tu-nu-dien-vien-vi-dang-tinh-yeu-toi-ceo-de-che-hang-hieu-lon-nhat-viet-nam-va-hiep-si-nuoc-y-hay-goi-toi-don-gian-la-doanh-nhan-le-hong-thuy-tien-45293.html
Để lại một phản hồi