MBS: Bốn yếu tố tích cực giúp VN-Index lên 1.280 điểm trong năm 2024

TIN MỚI

    Bốn yếu tố hỗ trợ đà tăng thị trường năm 2024

    Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán MBS nhìn nhận định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Ngoài ra, nếu đặt trong mối tương quan giữa TTCK và lãi suất, lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM lớn đã trở về mặt bằng tương đương thậm chí thấp hơn giai đoạn Covid-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 19,2%.

    Capture2.PNG

    Nhìn về năm 2024, MBS cho rằng có 4 yếu tố tích cực chính hỗ trợ cho TTCK Việt Nam.

    Thứ nhất, MBS kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất từ quý 2/2024 với tổng mức giảm khoảng 100 điểm cơ bản xuống mức 4,5% vào cuối năm 2024. Thông trường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.

    Thứ hai, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy. Đà tăng trưởng chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý 3 và quý 4 của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.

    Capture.PNG

    Thứ ba, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

    Thứ tư, TTCK Việt Nam nói riêng cũng sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam. Vì vậy, MBS cho định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.

    VN-Index có thể tăng lên 1.250 – 1.280 điểm

    Đội ngũ phân tích kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250 – 1.280 điểm, trên cơ sở lợi nhuận DN niêm yết năm 2024 tăng 16,8% và định giá P/E 12 – 12,5 lần. Các yếu tố rủi ro có thể tác động đến thị trường bao gồm thị trường BĐS đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên TTCK. Lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 – 4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.

    Nhìn từ góc độ phân tích kỹ thuật, sau khi tạo đỉnh ở quanh vùng Fibonacci 50% và bước vào giai đoạn diễn biến tiêu cực trong hai tháng 9 và 10/2023, VN-Index đã tìm được vùng đáy quanh 1.040 +/- 10 điểm – đây là vùng hỗ trợ mạnh khi được hỗ trợ bởi kênh giá tăng dài hạn được nối giữa đáy 3/2020 và đáy 11/2022.

    Xu hướng tăng giá trung hạn của VN-Index vẫn sẽ tiếp diễn khi trên khung thời gian tuần khi MACD đang chuẩn bị cho tín hiệu cắt lên đường Signal. Ngoài ra, sự thận trọng của dòng tiền (yếu tố tâm lý thường xuất hiện ở vùng đáy) giai đoạn vừa qua được thể hiện rõ nét bằng chỉ báo tâm lý Psychological Index, chỉ báo này đang chạm ngưỡng 33.333 trong giai đoạn đầu 12/2023, mức này tương đương với giai đoạn tâm lý sợ hãi vào 3/2020 và 11/2022.

    Dự báo về VN-Index trong năm 2024, trong kịch bản cơ sở, MBS cho rằng VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.240 – 1.250 điểm, vùng này tương đương với kháng cự là kênh giá giảm nối giữa đỉnh 7/2021 và đỉnh 9/2023. Ở kịch bản lạc quan, khi các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, thanh khoản thị trường đạt trên 25.000 tỷ/phiên thì VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.290 – 1.310 điểm.

    Tuyến phòng thủ vững chắc của VN-Index trong xu thế tăng giá dài hạn – MA110 (tháng). Từ 2009 đến nay, xét trên khung đồ thị tháng, MA110 thể hiện rõ nét là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường và cơ hội tốt để mua vào sẽ mở ra nếu VN-Index xuất hiện nhịp giảm điểm về quanh vùng giá này.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *