Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025, phấn đấu có 11 triệu tài khoản năm 2030

TIN MỚI

    Theo chiến lược được phê duyệt, mục tiêu tổng quát là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú ý nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giảm sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

    Về mục tiêu cụ thể như sau:

    Thứ nhất, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030. TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 – 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2030.

    Thứ hai, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

    Thứ ba là nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

    Thứ tư, hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025.

    Thứ năm, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

    Thứ sáu, tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

    Trong chiến lược phát triển thị trường được phê duyệt, các giải pháp thực hiện bao gồm hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tăng cung hàng hoá cho thị trường và cải thiện chất lượng hàng hoá; phát triển và đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng thông tin;

    Ngoài ra, các giải pháp như phát triển, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường và phát huy vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về chứng khoán; tăng cường phối hợp giữa chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền cũng được đưa ra trong chiến lược phát triển thị trường.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *