Cổ phiếu nào sẽ giúp nhà đầu tư mệnh Kim vượt qua năm xung khắc Giáp Thìn?

TIN MỚI

    Theo phong thuỷ ngũ hành, năm Giáp Thìn (2024) mang hành Hỏa, sẽ không phải một năm quá thuận lợi với nhà đầu tư mệnh Kim do hành Hỏa tương khắc với hành Kim. Do đó, với nhà đầu tư mệnh Kim, khi xây dựng danh mục cổ phiếu đầu tư cần đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu, chỉ nên lựa chọn các mã hợp hành Kim là hành Thổ và có yếu tố cơ bản vững vàng.

    Trên cơ sở (1) Ưu tiên các ngành đang có mức tăng trưởng cao nhờ hưởng lợi từ chính sách Chính phủ hay hưởng lợi từ việc mức tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn ở mức cao trong các năm tới; (2) Ưu tiên các doanh nghiệp đầu ngành để tận dụng tối đa sự tăng trưởng của ngành, Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra 5 cổ phiếu hợp với nhà đầu tư mệnh Kim theo cả 2 trường phái tấn công (HHV, PC1) và phòng thủ (CTD, IDC, PHR).

    photo-1708128412064

    Theo BSC, các cổ phiếu tấn công hợp với nhà đầu tư mệnh Kim có dự phóng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024 lớn hơn 20%. Trong khi đó, nhóm phòng thủ gồm các cổ phiếu có mức định giá hợp lý, rẻ, với P/E, P/B xấp xỉ trung bình 03 năm gần nhất, hoặc trả cổ tức ổn định, thị phần ở mức tốt trong ngành.

    Cặp “tiền đạo” HHV – PC1

    CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) hoạt động trong lĩnh vực (1) Xây dựng công trình giao thông, và (2) Quản lý, vận hành các trạm thu phí trên cao tốc, hầm đường bộ. HHV hiện là nhà đầu tư BOT hàng đầu Việt Nam tính trên tổng mức đầu tư (38.000 tỷ đồng). Trong đó, 2 dự án BOT đã được tăng giá trong năm 2023. Hoạt động thu phí BOT mang lại cho HHV nguồn tiền tương đối ổn định, dự kiến lên tới trên 1.500 tỷ đồng trong năm 2023.

    Theo đánh giá của BSC, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của HHV được đảm bảo trong giai đoạn 2024-26, dự kiến trên 20% nhờ giá trị backlog lớn (ước đạt 3.300 tỷ đồng), gấp khoảng 6 lần doanh thu xây lắp trung bình giai đoạn 2021-22, sẽ đảm bảo tăng trưởng mảng xây lắp cho HHV giai đoạn 2023-25.

    Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng còn đến từ việc triển khai 2 dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu Nghị-Chi Lăng, với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. 2 dự án dự kiến sẽ (1) Mang lại nguồn lợi nhuận từ góp vốn đầu tư cho HHV, (2) Thúc đẩy lưu lượng xe qua các trạm thu phí của cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn nhờ hình thành một tuyến đường lưu thông xuyên suốt, (3) Gia tăng giá trị backlog của HHV thêm ít nhất 20% khối lượng thi công xây lắp từ các dự án kể trên.

    CTCP Tập đoàn PC1 (PC1) hoạt động trong lĩnh vực xây lắp điện, sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ. Theo BSC, doanh thu thuần từ hoạt động xây lắp của PC1 sẽ phục hồi nhờ các dự án truyền tải điện được thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là dự án đường dây 500kv mạch 3 đoạn Quảng Trạch-Phối Nối. Ngoài ra, biên lợi nhuận của hoạt động xây lắp được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu giảm.

    Mảng khai khoáng với biên lợi nhuận gộp cao (khoảng 28%) được kỳ vọng sẽ giữ được các đơn hàng trong năm 2024 nhờ nhu cầu vẫn tiếp tục tăng nhờ xu hướng sử dụng xe điện. Dự kiến sang năm 2024 sản lượng xuất khẩu niken sẽ tăng trưởng 50% + biên lợi nhuận ở mức tốt sẽ đóng góp phần đáng kể vào lợi nhuận chung của doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, với tỷ lệ đòn bẩy cao, lãi suất giảm sẽ hỗ trợ tích cực lợi nhuận của PC1. Theo BSC, phần lãi vay tiết kiệm được nhờ lãi suất giảm dự kiến sẽ đóng góp 19% lợi nhuận năm 2024. Ngoài ra, mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ dự án Yên Phong IIA từ năm 2024.

    Bộ 3 “trung vệ” CTD – IDC – PHR

    CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) hoạt động trong lĩnh vực thi công, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Theo BSC, CTD sở hữu lượng backlog lớn đạt 20.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tương đương khoảng 1,5 lần doanh thu giai đoạn 2022-23, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn 2024-25.

    Biên lợi nhuận gộp của CTD được dự báo cải thiện lên mức 2,7% trong năm 2024 (+0.5 điểm % yoy) và 3% trong năm 2025 (+0.3 điểm % yoy) nhờ gia tăng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp trong cơ cấu backlog. Theo ước tính của BSC, mảng xây dựng công nghiệp có biên lợi nhuận gộp tốt hơn 2-3% so với mảng dân dụng và 4-5% so với mảng hạ tầng.

    Ngoài ra, BSC ước tính CTD sẽ giảm dự phòng khoản phải thu xuống còn lần lượt 94 tỷ và 77 tỷ đồng trong 2 năm 2024 và 2025. Chi phí tiết kiệm được tương đương 4 lần lợi nhuận 2 năm 2021-22 và khoảng 2 lần lợi nhuận năm 2023, qua đó cũng đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận của CTD trong các năm tới.

    Tổng công ty IDICO – CTCP (IDC) hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và kinh doanh khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư và các công trình công nghiệp và dân dụng khác. IDC hiện có quỹ đất thương phẩm sẵn sàng cho thuê lớn, ước tính khoảng 650 ha, sẽ mang lại lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư, trong bối cảnh nguồn cung KCN đang dần trở nên khan hiếm. Ngoài ra, IDC còn có kế hoạch phát triển thêm khoảng 2.000 ha diện tích KCN mới, bao gồm KCN Quế Võ 2 – GĐ2 (300 ha) và KCN Tân Phước 1 (470 ha).

    Nhu cầu thuê đất KCN gia tăng nhờ dòng vốn FDI đang tích cực chảy vào Việt Nam, sẽ thúc đẩy việc ký kết hợp đồng cho thuê mới của IDC bên cạnh kỳ vọng ghi nhận doanh thu chuyển nhượng dự án cho Aeon trong 2024. BSC dự phóng hợp đồng này sẽ mang lại cho IDC doanh thu 547 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 241 tỷ đồng, là đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho IDC trong năm 2024.

    CTCP Cao su Phước Hoà (PHR) là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su Việt Nam, nằm trong vùng chuyên canh cao su, vị trí trung tâm của vùng cao su Đông Nam Bộ. Theo BSC, doanh thu từ cao su của PHR dự kiến hồi phục 15% trong năm 2024 nhờ giá bán và sản lượng hồi phục (dự kiến tăng 3% về giá bán bình quân và 13% về sản lượng).

    Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận 2 dự án khu công nghiệp là NTC và VSIP 3 sẽ là động lực tăng trưởng chính cho giai đoạn 2024-25. BSC cho rằng với vị trí thuận lợi cùng với hạ tầng tốt tại khu vực Bình Dương sẽ giúp cho dự án nhanh chóng được lấp đầy sau khi triển khai. PHR vẫn đang mở rộng quỹ đất, đảm bảo tiềm năng tăng trưởng dài hạn với 2 dự án Tân Lập 1 và Tân Bình tại khu vực tỉnh Bình Dương.

    Ngoài ra, tình hình tài chính ổn định sẽ giúp PHR tiếp tục giữ truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm. BSC cho rằng PHR có thể duy trì mức cổ tức bình quân hàng năm quanh khoảng 40%/mệnh giá nhờ lượng tiền mặt dồi dào (tiền & đầu tư tài chính ngắn hạn trên 2.200 tỷ đồng).

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *